THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:50

Từ Tâm cho đi, chính là hạnh phúc

Một trong các tổ trực chiến của Nhóm Bạn Từ Tâm Đắk Lắk tham gia Chương trình “Giúp dân về quê”

Một trong các tổ trực chiến của Nhóm Bạn Từ Tâm Đắk Lắk tham gia Chương trình “Giúp dân về quê”

Chọn bạn mà chơi

Tháng 3/2020, Đắk Lắk chưa có ca dương tính Covid-19 nào. Các biện pháp phòng dịch đã được triển khai, mọi hoạt động giao thương vẫn bình ổn, thông suốt.

Lúc đó, tôi vừa nhận quyết định nghỉ hưu sau 5 năm công tác ở Tỉnh Đoàn, 26 năm làm báo chuyên nghiệp. Rời vị trí chiến đấu thân yêu quá lâu gắn bó, tôi lập Nhóm Bạn Từ Tâm để “có cơ sở” vẽ logo in backdrop tặng nhà cho các trò nghèo hiếu học, tổ chức các chương trình thiện nguyện hỗ trợ chính quyền, người dân cùng chống dịch Covid-19. Nhóm Bạn Từ Tâm ban đầu chỉ có 3 người, sau tăng dần lên, tới nay đã gần 200 thành viên.

Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, lớn bé già trẻ, dù có cả trăm ngành nghề, sở trường khác nhau, các thành viên Nhóm có thể là nông dân, tài xế tới quan chức cấp Cục, cấp Sở đều "kết" nhau ở một điểm chung là đồng lòng từ tâm cống hiến. Khoảng ba phần tư danh sách Nhóm là doanh nhân, phần lớn là bạn trẻ mới khởi nghiệp hoặc giám đốc các doanh nghiệp quy mô chưa lớn nhưng ý chí vươn lên, sống hết mình vì cộng đồng thì không hề nhỏ.

Anh Đặng Văn Huy đưa người đẹp Phùng Bảo Ngọc Vân tham quan nông trại.

Anh Đặng Văn Huy đưa người đẹp Phùng Bảo Ngọc Vân tham quan nông trại.

Gần 2 năm qua, Nhóm Bạn Từ Tâm Đắk Lắk đã liên tục tổ chức hàng chục chương trình thiện nguyện: Nào giúp vùng sâu, nào hỗ trợ tuyến đầu; tặng thực phẩm tươi ngon, trang phục bảo hộ cho lực lượng chống dịch, nâng đỡ học trò nghèo, kết nối giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, giúp đơn vị vận tải có hàng để chở, trao sữa tận tay hàng trăm mẹ bầu, em bé gia cảnh cực kỳ khó khăn trong những Khu cách ly, phát gạo và vật tư y tế giúp các buôn làng, thôn xóm bị phong tỏa có thêm động lực phòng chống Covid-19… Mỗi chương trình đều nhận được nguồn giúp đỡ đầy tình thương từ các nhà tài trợ, đa số ngay trong Nhóm, từ những doanh nhân hiểu sâu sắc hạnh phúc chính là sẻ chia.        

Lao vào hành trình thiện nguyện ấm áp này, tất cả là bạn, cái tôi được buông bỏ. Đã trở nên quen thuộc là hình ảnh “vô sản hóa” của những vị lãnh đạo doanh nghiệp không quản ngại cực nhọc, thường xuyên đến các địa chỉ tập kết hàng, vừa tài trợ vừa trực tiếp bốc vác, sẵn sàng đi liên tỉnh trao quà, giúp đỡ các cộng đồng yếu thế. Điển hình như bác sĩ Phan Thành Trinh- Tổng giám đốc Tổng Công ty Dược-Vật tư y tế Đắk Lắk, doanh nhân Sao Đỏ điều hành chuỗi trên 600 cửa hàng, vẫn dậy sớm khuân vác hàng từ thiện, ăn sáng ngay trên xe tải với Bí thư Đoàn Công ty.

Bác sĩ Lê Minh Thông từ khi là cán bộ cấp Sở đã xung phong đi hiến máu và vận động đồng bào tham gia Chủ Nhật Đỏ. Nay về hưu, anh vui vẻ lái xe chở sầu riêng đi bán, lấy tiền góp quỹ cho chương trình “Nông sản Đắk Lắk đổi vật tư y tế chống dịch Covid-19”. Anh Phạm Hoài Nguyên Anh- Giám đốc Công ty Anh Coffee vừa được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tuyên dương trong 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021. Năng động và đa hệ, Nguyên Anh nhận việc kiểu “mâm nào cũng có” từ vị trí thư ký, kế toán, đến dựng phim, mở kênh youtube, rồi kết nối với những nghệ sĩ “triệu view”, góp phần giúp tinh thần Từ Tâm trong veo ngày càng lan tỏa. 

Anh Hoàng Danh Hữu đưa sô cô la Miss Ede lên sàn giao dịch điện tử

Anh Hoàng Danh Hữu đưa sô cô la Miss Ede lên sàn giao dịch điện tử

Cùng sống xanh, sạch, đẹp

Nhiều thành viên trong Nhóm Bạn Từ Tâm này là những cá tính độc đáo, có tâm, có tài thật sự trong lĩnh vực say mê theo đuổi. Chơi với nhau, các thành viên Nhóm học được nhau không ít điều thú vị, nhất là lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.

Anh Đặng Văn Huy, chủ nhân thương hiệu cà phê DangFarm sinh năm 1988, dân tộc Dao, là thành viên gạo cội của Nhóm về lĩnh vực này. Cộng đồng người Dao ở xã Cư Suê huyện Cư Mgar đã Nam tiến, định cư trên Tây Nguyên từ gần 70 năm trước. Nhà nào cũng có cả chục hecta cà phê, cây ăn trái, cuộc sống no đủ, lớp trẻ học hành đỗ đạt. Rời ghế trung học phổ thông, Huy táo bạo xin tiền cha mẹ khoác ba lô đi ra thế giới, tới nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến, tự mày mò học hỏi. Anh đến Thái Lan, Israel, thích thú đào xới bí quyết các mô hình nông nghiệp 4.0, rồi trở về áp dụng trên nông trại gia đình.

Anh Phạm Hoài Nguyên Anh (áo trắng bên phải) trong một chuyến trao quà chống dịch

Anh Phạm Hoài Nguyên Anh (áo trắng bên phải) trong một chuyến trao quà chống dịch

Sau nhiều phen trầy trật, thất bại, nông trại DangFarm đã trở thành mô hình nông nghiệp hữu cơ thành công, cảnh sắc hài hòa, các loại nông sản đều được đánh giá chất lượng tuyệt ngon. Với 10 hecta xen canh, mỗi năm Huy thu hoạch được 15 tấn cà phê hạt, 10 tấn bơ, 10 tấn sầu riêng, 5 tấn mãng cầu, 2 tấn mắc ca, 2 tấn gạo. Vừa bán xô vừa chế biến sâu với thương hiệu DangFarm hảo hạng, mỗi năm trừ chi phí gia đình Huy chỉ thu lợi hơn 500 triệu đồng. “Lãi ít nhưng được sống giữa khí hậu trong lành, không hóa chất, thực phẩm tươi ngon, tốt cho mình và cho cả cộng đồng, đó chính là cuộc sống hạnh phúc”- Anh chia sẻ.

Cách Buôn Ma Thuột tới gần 80km có nông trại sinh thái Hưng Định của vợ chồng anh Lương Xuân Hưng, sinh năm 1973. Thuở bé, sống cạnh khu Liên hiệp Gang thép Thái Nguyên, Hưng “lớn không nổi” bởi hằng ngày hít thở bầu không khí ô nhiễm nặng nề từ khí thải nhà máy. Anh bỏ quê đi làm cửu vạn các bãi vàng ở Tuyên Quang, Quảng Ninh, rồi vào Tây Nguyên tìm cơ hội đổi đời. Sau 25 năm vừa học vừa làm nông nghiệp hữu cơ, với nhiều sáng tạo riêng, tới nay, vợ chồng anh đã gây dựng được không gian sống “đẹp hơn cả các mô hình trên tài liệu”, sản xuất sầu riêng, chanh dây, rau củ đặc sản thơm lành, được nhiều khách hàng kỹ tính trong, ngoài nước biết tới và yêu mến.

Đắk Lắk vừa có thêm 2 sản phẩm độc đáo, sản xuất từ cà phê hữu cơ chính hiệu là Trà hoa cà phê và Vang cà phê. Tác giả của 2 mặt hàng giá trị cao, quy trình sản xuất rất kỳ công này là anh Lê Văn Vương sinh năm 1986, Giám đốc Công ty TNHH SX & TM Vương Thành Công. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3, Vương trở về Đắk Lắk khởi nghiệp, ban đầu từ những mẻ cà phê rang xay, thu hái từ vùng nguyên liệu sạch. Để có được sản phẩm hữu cơ, anh đã kỳ công thuyết phục các chủ vườn cà phê bỏ lối chăm bón cũ, với quyết tâm sắt đá “Nếu mình kiên trì theo đuổi, ánh sáng sẽ đến ở cuối đường hầm”.  

Anh Lê Văn Vương với mô hình cà phê hữu cơ

Anh Lê Văn Vương với mô hình cà phê hữu cơ

Nhờ đó sản phẩm cà phê rang, xay Vương Thành Công đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được mời tham gia các Hội chợ Xúc tiến Thương mại. Vừa mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ, anh Vương vừa xây dựng kênh bán hàng online nhằm đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Một nhóm doanh nhân từ Đức đã đến tận nơi tìm hiểu, đặt vấn đề thu mua nhưng sản lượng Vương có chưa đủ đáp ứng nổi đơn hàng. “Tham gia Nhóm Bạn Từ Tâm, em thấy mình thêm cơ hội có thêm bạn đồng hành, hợp tác cùng phát triển, góp phần khẳng định giá trị nông sản của hạt cà phê Việt Nam, hướng tới hội nhập quốc tế”.

Những chia sẻ về chuyển đổi công nghệ số để giúp nông dân nâng cao giá trị nông sản của anh Hoàng Danh Hữu, chủ thương hiệu Miss Ede, thành viên Nhóm cũng thu hút sự chú ý của lãnh đạo các cấp. Trải qua thử thách lao đao, bầm dập vì du lịch đóng cửa, hàng hóa ứ đọng hàng tỉ đồng không bán được, anh Hữu đã tự cứu bằng cách kết nối với sàn thương mại điện tử Lazada, đặt hàng truyền thông với các KOC - Key Opinion Consumer (Người tiêu dùng chủ chốt) có lượng người theo dõi lớn với chi phí thấp nhất. Cụ thể, với 18 clip viral trên Tiktok tháng 9 này, Miss Ede đã tiếp cận được hơn 3 triệu người tiêu dùng tiềm năng.

Anh Lương Xuân Hưng hạnh phúc giữa hoa trái trong vườn

Anh Lương Xuân Hưng hạnh phúc giữa hoa trái trong vườn

Nổi tiếng từ lâu với thương hiệu Mười Bơ, anh Trịnh Xuân Mười là một trong những nhà tài trợ hào phóng của Nhóm. Năm nào anh Mười cũng xây tặng 2 căn nhà tình nghĩa, đóng góp không ngừng cho các chương trình thiện nguyện trong, ngoài Nhóm Bạn Từ Tâm. Từ cậu thiếu niên tha phương cầu thực năm xưa, nay anh đã thành tỷ phú nông dân với phương châm “Được cho đi, chính là hạnh phúc”.

Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để bảo vệ sự sống còn cho doanh nghiệp, nhưng suốt 2 năm chung tay chống dịch, Nhóm Bạn Từ Tâm Đắk Lắk gồm hơn 200 người, trong đó phần lớn là chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn tổ chức được hàng chục chương trình thiện nguyện. Riêng với 2 Chương trình “ Sách Giáo Khoa Cho Em” và “Giúp Dân Về Quê” diễn ra trong 2 tuần đầu tháng 10/2021, Nhóm đã kết nối, huy động được hơn 2 tỷ đồng, nâng đỡ hàng nghìn học sinh nghèo, góp gần 20.000 suất ăn, giúp hàng vạn người lao động nghèo khó tìm thấy điểm tựa của tình người ấm áp nơi quê nhà.

HOÀNG THIÊN NGA

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh