THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:43

Phẫn nộ với những kẻ "từ thiện" giả hiệu

Và tệ hơn, những hình ảnh, lời lẽ này lại được tung lên mạng xã hội.

Cụ thể, người phát cơm có những lời lẽ khiếm nhã, bất lịch sự đối với một số người đến nhận. YouTuber này liên tục nói người đến nhận sơn móng tay, "bụi đời", ngoại hình hơi quá khổ... thì không được nhận cơm. Một cụ già đến nhận cơm còn bị mắng xối xả, bị quay clip và chia sẻ lên mạng xã hội. Dường như những kẻ mang danh "đi làm từ thiện" này muốn lấy những người khốn khổ, phải đến nhận cơm từ thiện ra làm... trò cười cho thiên hạ.

Phẫn nộ với những kẻ "từ thiện" giả hiệu - Ảnh 1.

Ảnh internet

Dịch bệnh hoành hành, người Sài Gòn đang rất khó khăn. Những ngày này, rất nhiều nhóm từ thiện đã đổ về khắp nơi để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Hầu hết họ làm một cách âm thầm. Những nhóm bạn trẻ đêm đêm tìm đến những hang cùng ngõ hẻm để trao quà. Họ không làm từ thiện để chụp hình, quay clip, để khoe khoang về thành tích. Bởi, họ làm một cách thật tâm, chỉ mong những người nghèo khó có thể cùng cả cộng đồng vượt qua chuỗi ngày gian khổ. Họ nỗ lực làm hết sức mình vì không muốn ai "bị bỏ lại phía sau".

Trong bối cảnh chung ấy, hành vi nhân danh từ thiện để "đánh bóng thương hiệu", "PR cho cá nhân, doanh nghiệp", để chứng tỏ vai trò ban phát hay thậm chí để xúc phạm người khác đều gây sự phẫn nộ trong cộng đồng.

"Công việc thiện nguyện phải xuất phát từ tâm lý muốn chia sẻ, lan tỏa tình người chứ không phải một sự ban phát nào cả", đó là lời của đại diện một nhóm từ thiện. "Dịch bệnh hoành hành đã quá đau lòng, xin đừng làm tổn thương nhau nữa", nhiều người đã lên tiếng khi xem đoạn clip đầy những hình ảnh và ngôn từ phản cảm kia.

Một chuyên gia xã hội học khẳng định: "Những người làm từ thiện xuất phát từ tâm chắc chắn sẽ không bao giờ có những hành động khiếm nhã như vậy". Việc lợi dụng làm từ thiện nhằm khuếch trương, đánh bóng bản thân của một số người như những hình ảnh trong YouTube "Sài Gòn ngày nay" luôn có tư tưởng thể hiện mình, trong khi người đến nhận cơm là người yếu thế nên họ coi người nhận cơm thấp bé và tầm thường hơn mình, từ đó có thái độ chưa đúng mực".

"Trong quy tắc ứng xử, người mạnh bao giờ cũng phải thể hiện kín kẽ, trân trọng người yếu thế vì bản thân người yếu thế luôn có tâm lý tự ái, ức chế. Vì vậy, người cho cần có thái độ đúng mực để cả 2 bên cho - nhận đều cảm thấy thoải mái", vị chuyên gia xã hội học nêu quan điểm.

Ông bà ta có câu "của cho không bằng cách cho", vì thế người làm từ thiện không bao giờ được phép đặt mình vào tâm thế của người "có của" với những thái độ miệt thị hay phân biệt đối xử đối với những người kém may mắn hơn mình. Việc nhận thức đúng đắn về công tác thiện nguyện sẽ giúp cả người cho và người nhận cảm thấy bản thân được trân trọng và vui vẻ đón nhận những điều xứng đáng với mình.

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh