Thiện nguyện thiết thực: Câu chuyện “Con cá” và “Cần câu”
- Dược liệu
- 13:48 - 01/01/2021
Những ngày tháng 10/2020, khi Miền Trung chìm trong lũ lụt, công tác cứu trợ và cứu hộ đang được ráo riết thực thi, văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai. Để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
Miền Trung oằn mình trong bão lũ (Ảnh: Ngọc Thành)
Trước văn bản chỉ đạo này, có nhiều người thắc mắc "Tại sao lại cần phải chấn chỉnh, đưa ra quy định cho những hoạt động quyên góp, khi thiện nguyện là một việc tốt, đáng trân trọng.
Thực ra đây không phải vấn đề mới. Làm từ thiện là một việc đáng hoan nghênh, nhưng làm từ thiện ngoài cái tâm, cũng cần cả lý trí, bởi nếu giúp đỡ không đúng cách, lòng tốt đôi khi lại để lại... những hậu quả đáng tiếc.
"Hậu quả" của lòng tốt
Còn nhớ tháng 9/2007, dư luận chấn động bởi vụ sập cầu Cần Thơ khiến 55 người thiệt mạng. Các đoàn thiện nguyện đổ về Cần Thơ với số tiền giúp đỡ các gia đình lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người đã từng nhận cả trăm triệu đồng hỗ trợ đã lại rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì họ đã dùng hết tiền đó để đánh bài, cá độ, đá gà...
Tương tự là trường hợp của cậu bé Hào Anh. 5 năm sau, khi được cứu thoát khỏi địa ngục trần gian với một tài khoản hàng trăm triệu đồng từ các nhà hảo tâm, Hào Anh lại trở thành tội phạm đứng trước vành móng ngựa. Toàn bộ số tiền đã bị cậu "đốt" gọn ghẽ trong các đêm ăn chơi để rồi sa đà vào trộm cắp khi không còn một xu dính túi.
Gần đây, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh một người phụ nữ bị bắt bởi dùng đá ném vỡ kính xe ô tô của đoàn từ thiện do đoàn không phát đủ quà, hay một trưởng thôn bị đánh đến nỗi nhập viện do bị nghi ngờ chia tiền từ thiện không đều… Những tưởng sự chia sẻ yêu thương sẽ giúp kết nối cộng đồng, món quà được trao sẽ khiến người nhận sống tốt hơn, nhưng ngược lại. Đôi khi, lòng tốt cũng giống như con dao hai lưỡi, nếu được trao không đúng cách sẽ có thể hủy hoại số phận của người nhận.
"Con cá" và "cần câu"
Liên quan đến việc làm từ thiện sao cho đúng, đã có nhiều thảo luận, tranh cãi về việc đứng trước một hoàn cảnh khó khăn, ta nên trao "con cá" – những nhu cầu cấp thiết ngay trước mắt, hay "cần câu" – những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững?
Người dân Miền Trung rất cần những sự giúp đỡ thiết thực để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống (Ảnh: Ngọc Thành)
Thực ra, mọi sự khái quát hóa đều chỉ mang tính tương đối. Ví như, với những người dân đã 3 ngày chưa có gì vào bụng sau trận lũ thì cái họ cần là một bữa no, hay chính là "con cá". Nhưng để những trận lũ không còn cướp đi sinh mạng người dân hay núi sẽ bớt sạt lở, thì việc xây nhà chống lũ, hay trồng cây gây rừng lại là những chiếc "cần câu" cần thiết. Từ thiện "đúng" không phải là lựa chọn hoặc "con cá" hay "cần câu" mà điều quan trọng là tính "thiết thực" của công tác từ thiện, làm sao để có thể trao được cả "cần câu" VÀ "con cá" đến đúng với người đang cần. Điều này chỉ có thể thực hiện khi công tác từ thiện được tổ chức chuyên nghiệp và bài bản trên cơ sở hợp tác, trách nhiệm, với sự chủ động, có tầm nhìn và đích đến rõ ràng.
Có nhiều ví dụ thực tế về sự "thiết thực" trong công tác thiện nguyện từ các cá nhân, doanh nghiệp. Ví dụ như ca sỹ Hà Anh Tuấn và dự án "Rừng Việt Nam" đã trồng mới và nuôi dưỡng 1800 cây tại hai cánh rừng ở Lâm Đồng và Sơn Trà đồng thời hỗ trợ chăm sóc cho 23,000 m2 diện tích rừng đang tái sinh tự nhiên.
Tập đoàn Vingroup cũng là doanh nghiệp đã có nhiều hỗ trợ rất thiết thực cho các công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, từ tài trợ máy thở cho các bệnh viện, tài trợ hóa chất cho các xét nghiệm nhanh và kinh phí cho các dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với COVID-19 với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Hay như Tập đoàn Sun Group - một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Du lịch nghỉ dưỡng- Vui chơi giải trí và Bất động sản cũng đề cao tính hiệu quả trong công tác thiện nguyện. Không hỗ trợ dàn trải hay chạy theo "xu hướng", cũng không câu nệ vào các con số khủng, Sun Group thường tập trung vào những hành động cụ thể, cấp thiết, có thấy hiệu quả rõ ràng. Khi Đà Nẵng đang oằn mình chống chọi với làn sóng COVID -19 thứ 2, Sun Group đã thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, dành tặng cho người dân thành phố sông Hàn một "lá chắn" quan trọng, trong trận chiến đầy cam go với dịch bệnh.
Đại diện cho tỉnh, ông Thái Thanh Quý, bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhận tài trợ từ phía Tập đoàn Sun Group. Hệ thống máy móc sẽ được nhà cung ứng trực tiếp vận chuyển và lắp đặt tại bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An.
Những ngày cuối năm qua, nhờ sự kết nối của Mặt trận Tổ quốc và UBND tỉnh Nghệ An, Sun Group cũng đã hoàn tất việc tài trợ một hệ thống máy lọc thận nhân tạo cho bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An – bệnh viện vùng cao thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh. Theo chia sẻ của ông Lê Xuân Hồng, Giám đốc bệnh viện, đây không chỉ là một sự giúp đỡ rất thiết thực cho công tác điều trị, mà còn "góp phần giảm bớt đi phần nào những khó khăn, gánh nặng kinh tế đang oằn trên vai những bệnh nhân vốn đã rất nghèo trong vùng. Họ sẽ không còn phải di chuyển hàng trăm cây số hay tìm thuê nhà trọ sống tạm bợ qua ngày để chờ đợi những đợt chạy thận tại các bệnh viện khác".
Ông Trương Xuân Lâm, một bệnh nhân đang chạy thận phấn khởi: "Hàng trăm bệnh nhân như tôi mong chờ ngày này lâu lắm rồi. Có máy về là chúng tôi sẽ được về nhà, được nghỉ ngơi tốt hơn và ổn định cuộc sống. Cám ơn doanh nghiệp đã rất có tâm, giúp đỡ rất "trúng" và "đúng" những gì chúng tôi hằng mong mỏi".
Làm từ thiện có trách nhiệm, một cách thiết thực và bền vững, có lẽ cũng không cần quá đao to búa lớn.