THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:21

Từ ngày 21/5: Kỹ năng phòng chống xâm hại sẽ có trong giáo trình lớp một

 

Trước vấn nạn xâm hại tình dục diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại các trường học trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã quyết định ban hành Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT, yêu cầu phải có bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại.


Học sinh lớp 1 sắp được học kỹ năng phòng chống xâm hại

Trước vấn nạn xâm hại tình dục diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại các trường học trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã quyết định ban hành Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT, yêu cầu phải có bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại. Theo đó danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 bao gồm các môn: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, Đạo đức, hoạt động trải nghiệm và thiết bị dùng chung.

Cụ thể, học sinh lớp 1 được học nội dung này thông qua tranh minh họa ba bước phòng tránh bị xâm hại, gồm: Hình ảnh học sinh nói "không" một cách kiên quyết; học sinh lùi lại, bỏ đi hoặc chạy để thoát khỏi tình huống nguy hiểm; học sinh kể lại với người tin cậy những gì đã xảy ra với mình. Đặc biệt, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường tiểu học cũng sẽ thống nhất sử dụng tranh minh họa quy tắc bảo vệ bé trai và bé gái với dòng chữ: "Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào bộ phận cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh được bác sĩ khám bệnh".

 Nguyên nhân khiến xâm hại trẻ em và bạo lực học đường tiếp tục xảy ra

Tại hội thảo phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường đối với trẻ em do UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) phối hợp cùng Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam được tổ chức cuối tháng 4/2019, đại diện huyện Củ Chi cho biết thời gian qua địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, giáo dục và xử lý trước pháp luật để ngăn ngừa nạn bạo lực học đường cũng như xâm hại tình dục trẻ em.

Theo các thành viên tham dự hội thảo, ngoài những sự việc đã bị tố cáo lên công an, vẫn còn nhiều vụ việc xảy ra nhưng các em và gia đình không trình báo lên cơ quan chức năng, nhà trường cũng không nắm được thông tin. Đây là một trong những nguyên nhân khiến xâm hại trẻ em và bạo lực học đường tiếp tục xảy ra và có dấu hiệu gia tăng. Ngoài ra, nhiều gia đình hiện nay đang thiếu quan tâm, giáo dục đối với con em của mình, những cạm bẫy trên internet và sự quản lý, giáo dục, hỗ trợ chưa đúng mức của nhà trường, xã hội cũng khiến trẻ em đang phải chịu bạo lực và xâm hại tình dục. Qua đó, đòi hỏi các cấp ngành, nhà trường, mỗi gia đình và toàn xã hội cần cấp bách hành động để ngăn chặn, bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân các vụ việc xâm hại.

Đánh giá về tình trạng xâm hại trẻ em tại Việt Nam, các nhà chuyên môn cho rằng, nguy cơ bị xâm hại tình dục có thể xảy ra đối với bất kỳ trẻ em ở độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, diễn ra từ thành thị đến nông thôn. Trẻ có thể bị xâm hại ngay dưới mái trường, tại cộng đồng dân cư hoặc thậm chí trong chính ngôi nhà của mình.

Gần đây, liên tiếp nhiều vụ việc được báo chí đưa ra công luận đang là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và toàn xã hội cần lập tức hành động để bảo vệ con em mình trước những nguy cơ bị xâm hại. Một vấn đề đáng quan tâm hơn cả là khi phát hiện con em mình bị xâm hại, không nên im lặng, cần trình báo ngay với các cơ quan chức năng và đưa trẻ đến các địa chỉ để được tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý... Việc tố cáo sớm giúp các cơ quan chức năng có biện pháp điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ để xử lý tội phạm, ngăn chặn kẻ phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi trong cộng đồng. 

 

Phụ huynh là những người gần gũi nhất cần thường xuyên quan tâm, trao đổi tâm tư, tình cảm, sớm dạy cho trẻ biết kiến thức cơ bản về giới tính. 


Vì vậy, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhà trường, phụ huynh là những người gần gũi nhất cần thường xuyên quan tâm, trao đổi tâm tư, tình cảm, sớm dạy cho trẻ biết kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống nguy hiểm và cách tự bảo vệ mình. Đặc biệt khi phát hiện con em mình bị xâm hại, không nên im lặng, cần trình báo ngay với các cơ quan chức năng và đưa trẻ đến các địa chỉ để được tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý... Việc tố cáo sớm giúp các cơ quan chức năng có biện pháp điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ để xử lý tội phạm, ngăn chặn kẻ phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, để bảo vệ trẻ em thì mỗi cá nhân hãy tỏ rõ thái độ bài trừ tội phạm xâm hại trẻ em, tích cực phát hiện, lên tiếng, tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ. Việc xử lý các trường hợp dâm ô, xâm hại trẻ em cần phải thật nghiêm minh, kiên quyết không bao che, để lọt tội phạm. Toàn xã hội cần chung tay để chấm dứt tình trạng xâm hại trẻ em càng sớm càng tốt.

 

TS. Vũ Thu Hương, Chuyên gia tâm lý kỹ năng sống cho rằng: Để tránh các bi kịch, cha mẹ cần dạy, khi các cháu lên 3 tuổi, phụ huynh có thể bắt đầu dạy con phòng tránh xâm hại tình dục theo khả năng tiếp nhận của trẻ. Các nội dung cần dạy: Khi con muốn đi đâu ra khỏi nhà cần xin phép người lớn. Cha mẹ nhờ ai đón hộ cần có “mật mã” để trao đổi với trẻ, tránh bắt cóc.

Bố mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ. Nếu ai ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo công an, cảnh sát vì bản thân không đủ khả năng làm việc này.

Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân; không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng; đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối.

Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động chạm vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức đi về phía chú công an nhờ đưa về nhà. Nếu không có chú công an, con chọn một bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi.

Trẻ bị ai đó bắt thì không nên hét “cứu con với” mà hét “cháy nhà” sau đó vùng bỏ chạy.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh