Trẻ liên quan đến bạo lực học đường do bị ảnh hưởng bởi gia đình
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:09 - 21/04/2019
Phần lớn các em học sinh liên quan đến các vụ bạo lực học đường thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình.
Tại Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, báo cáo về kế hoạch phòng chống BLHĐ của ngành Giáo dục trong thời gian tới, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định, 1 chỉ thị liên quan đến nội dung này. Bộ GD&ĐT ban hành theo thẩm quyền 25 văn bản, gồm các thông tư, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản hành chính khác về phòng chống BLHĐ.
Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm, chỉ đạo trong vấn đề này là chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời, đủ hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ…
“Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng BLHĐ vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục, cá biệt có một số vụ việc BLHĐ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Bùi Văn Linh thừa nhận.
Môi trường giáo dục ở một số gia đình chưa thực sự lành mạnh, phần lớn các em học sinh liên quan đến các vụ BLHĐ thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình, như khó khăn về kinh tế, bố mẹ ly thân, ly hôn, mồ côi, đi làm ăn xa…
Phương pháp giáo dục con không đúng, quá nuông chiều hoặc ngược đãi đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn dễ vi phạm pháp luật. Nhiều bậc cha mẹ còn khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường, thiếu sự phối hợp với nhà trường trong việc quan tâm, theo dõi, chăm sóc và giáo dục học sinh.
Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của các em học sinh dẫn đến dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh. Các em hiếu động và luôn muốn khẳng định mình; một số em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến hành vi bột phát, thiếu kiểm soát, thiếu chuẩn mực, ý thức chưa tốt; các em chưa ý thức được những ảnh hưởng xấu, hậu quả của những hành vi mình gây ra cho người khác, bản thân và xã hội.
Vừa qua, tại Hội thảo xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, ông Bùi Văn Linh cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp từ Trung ương đến địa phương, cụ thể, về truyền thông; xây dựng môi trường giáo dục; tích hợp nội dung giáo dục phòng chống BLHĐ vào chương trình và các hoạt động giáo dục; hoàn thiện văn bản; bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất nhà giáo; tăng cường dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Nhiều bậc cha mẹ còn khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường.
Từ kinh nghiệm thế giới, chúng ta cùng thực hiện một quy trình hành động phòng chống BLHĐ áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân. Huy động được các nguồn lực hỗ trợ của gia đình, nhà trường và cộng đồng.
“Các chương trình thực hiện ở nhà trường không chỉ dừng ở các chương trình phòng ngừa BLHĐ mà còn từ những chương trình hòa giải xung đột vì đó là nguồn làm tăng bạo lực; xây dựng bầu không khí hợp tác; loại bỏ các nguy cơ dẫn đến bạo lực trong môi trường sinh thái – xã hội của học sinh. Nâng cao lòng tự trọng và tư duy phản biện (dám nói dám đấu tranh với cái xấu trên tinh thần xây dựng); thực hành và vận dụng các kỹ năng quản lý hành vi tích cực và kỷ luật không nước mắt”, ông Linh cho hay.
Theo số liệu của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Trong 8 tháng đầu năm 2017, có 832 vụ bạo lực và xâm hại tình dục, trong đó có 116 em bị bạo lực và 716 em bị xâm hại tình dục. Tỉ lệ trẻ em nữ là nạn nhân vụ bạo lực và xâm hại tình dục chiếm 92%. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đã xét xử 1.880 vụ xâm hại trẻ em với 1.976 bị cáo”. Thời gian qua các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với tính chất nghiêm trọng diễn ra ở một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bà Rịa–Vũng Tàu... thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. |