THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:34

Tu hành và khất thực nét đẹp văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ

 

Xuất gia vào chùa tu hành và hàng ngày đi khất thực, theo quan niệm của người Khmer không phải với khát vọng trở thành đức Phật mà chính là để được học chữ nghĩa, đạo lý, tu tâm, tích đức, chuẩn bị cho mình một cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai.                                                                     

Tu hành và khất thực là tập tục từ lâu đời của người Khmer Nam bộ 


 Tại Nam bộ hầu hết các phum, sóc có đồng bào Khmer sinh sống đều có chùa theo đạo Phật tiểu thừa, với khoảng 440 ngôi chùa lớn, nhỏ và mỗi chùa có ít nhất từ 5 đến 10 ông lục (sư sãi), nhiều chùa có tới gần 100 sư sãi ăn ở, học tập, tu hành. Theo tập tục của người Khmer, những gia đình có con trai từ 12 tuổi trở lên, có nguyện vọng tu hành đều được nhận vào chùa học kinh Phật, học chữ để tu luyện thành người có tri thức và đức hạnh.  Trong cộng đồng người Khmer Nam bộ, người con trai nào đến tuổi trưởng thành mà chưa qua giai đoạn tu hành trong chùa thì bị xã hội, gia đình cho là bất hiếu, rất khó lấy vợ. Bởi vì, tu hành cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để người con gái Khmer lựa chọn làm người nâng khăn sửa túi của mình.

 

Người con trai đã qua giai đoạn tu hành là một trong những tiêu chí để  người con gái chọn làm đấng phu quân


  Nghi thức tiễn người xuất gia vào chùa tu hành được tổ chức rất trang trọng vào ngày đầu của tết Chôl Chnâm Thmây. Khi hành lễ người con trai phải xuống tóc cạo đầu, thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một chiếc khăn vải trắng vắt đắp lên vai từ trái qua phải, gọi là pênexo, để chứng tỏ người con trai đó đã từ bỏ thế tục chuẩn bị bước vào cuộc sống tu hành. Trong buổi lễ họ mời sư sãi đến đọc kinh, cúng tam bảo và làm lễ thọ giới, đọc thuộc lòng 10 điều răn của Phật giáo: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu, không ăn ngoài bữa, không xem múa hát, không dùng đồ trang sức, không chiếm ghế cao giường ấm, không đụng đến vàng bạc.

 

 

Người xuất gia vào chùa thu hành, hàng ngày ngoài việc học chữ, đọc kinh kệ, học giáo lý đạo đức kinh…còn đi khất thực. Mỗi ngày, dù mưa hay nắng cứ vào khoảng từ 9 h – 12 là sư sãi từ các ngôi chùa bắt đầu chuyến hành trình khất thực qua các phum, sóc và kết thúc vào trước giờ ngọ. Số sư sãi tham gia khất thực nhiều hay ít, tùy thuộc vào sự sắp xếp của mỗi nhà chùa, nhưng cách thức đi và nhận thức ăn từ bá tánh thì giống nhau. Tất cả đều đi chân không (không giầy, dép), theo hàng dọc, lặng lẽ không trò chuyện, không nhìn qua ngó lại, phía trước ngực là một cái bình bát, được làm bằng đá, sành, hoặc đất sét nung tráng men (không được làm bằng những thứ kim loại quý). Đi theo mỗi nhóm sư sãi khất thực thường có 2- 3 chú tiểu cầm gàu mên để đựng thức ăn của các thí chủ bá tánh cho.

 

 

Sư sãi khất thực luôn thể hiện đúng phẩm hạnh của người tu hành, cho gì lấy nấy, giữ tâm bình đẳng, theo đúng thứ tự nhà bá tánh, không chỉ đến nhà giàu và cũng không chỉ đến với nhà nghèo. Trước khi đi khất thực, họ đều cầu nguyện cho mỗi người khất thực đều được no đủ, đồng thời luôn cầu nguyện cho thí chủ đều được hưởng phúc đức vô biên, vô lượng. Đối với người dân, khi dâng thức ăn lên cho các nhà sư đều xuất phát từ lòng thành kính, mang khát vọng, mong muốn các vị sư giải thoát hết mọi kiếp nạn cho thế gian này.

 

 

Đáp lại, các nhà sư khi nhận đồ ăn của bá tánh thì hàm ơn, cầu khẩn cho họ tích được nhiều công đức để có một cuộc sống bình an, tốt đẹp trong hiện tại và tương lai. Chính vì thế, khất thực không chỉ có ý nghĩa thuần túy là cho và nhận nữa, mà thông qua đó nó góp phần giáo hóa con người về đức hạnh, sự bao dung, tình nhân ái…Đó chính là sự màu nhiệm về triết lý sâu sắc của nhà Phật và là nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Khmer Nam bộ được duy trì qua bao đời nay.

Lương Định/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh