THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:09

Năng suất lao động tăng tối thiểu 6%/năm thì mới đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) diễn ra ngày 13.12, ông Cung nhận định, tăng năng suất ngày càng có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 89% trong năm 2017.

Tuy nhiên, tăng năng suất cũng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam những thách thức không nhỏ. Bởi, nếu chỉ tăng trưởng GDP ở mức độ 6,7% như hiện nay, Việt Nam khó có thể thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, vấn đề năng suất lao động của Việt Nam được nói nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng chúng ta chưa đột phá thực sự để có thể cải thiện được vấn đề vốn được xem là quyết định gia tăng giá trị cho nền kinh tế.  

Trong khi đó, tăng năng suất lao động đang ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Minh chứng là yếu tố này đã đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017, cao hơn khá nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990 - 2000 và 61,9% giai đoạn 2000 - 2012. Những con số biết nói đó cho thấy, không tăng nhanh năng suất lao động, Việt Nam không thể nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, năng suất lao động của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực. So với Malaysia, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 6 lần, thấp hơn Singapore xấp xỉ 15 lần, thấp hơn Thái Lan xấp xỉ 3 lần...

Nguyên nhân, theo TS. Nguyễn Đình Cung là do bế tắc trong chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, không có chuyển dịch nguồn lực từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân chính thức, không có chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức (nghĩa là nguồn lực không được chuyển dịch từ khu vực kinh tế kém hiệu quả sang khu vực có hiệu quả cao hơn)...

“Tốc độ gia tăng giá trị của kinh tế tư nhân chính thức tương đối cao, liên tục cải thiện trong các năm gần đây nhưng không thu hút thêm lao động, không tạo thêm công ăn việc làm tương xứng. Khu vực kinh tế nhà nước hiệu quả thấp nhưng quy mô kinh tế nhà nước không giảm đáng kể. Doanh nghiệp Việt Nam thâm dụng vốn cao, năng suất vốn lại thấp nhất trong khu vực và thâm dụng vốn không gắn với đầu tư đổi mới công nghệ...”, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.

“Từ năm 2018, năng suất lao động phải tăng tối thiểu 6%/năm (cao hơn 1,25% điểm % so với giai đoạn 2011-2017) thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Đây thực sự là một thách thức lớn”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năng suất lao động của toàn nền kinh tế 2017 cũng đã được cải thiện; môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia có nhiều tiến bộ…

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động và khai thác tài nguyên, những cách thức tăng trưởng đó không còn phù hợp trong thời đại hiện nay, khi tình hình thế giới có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang tới nhiều cơ hội song cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, mô hình cũ không thể giúp Việt Nam gia tăng mức độ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Để Việt Nam không rơi vào tình trạng suy giảm năng suất, ông Rajah Rasiah, cố vấn cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của ngay các nước trong khu vực. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore cho thấy, “sáng tạo” là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng, và các nền kinh tế này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tích lũy vốn, phát triển nguồn nhân lực con người, định hướng xuất khẩu…

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh