Từ 1.10, báo chí đăng ảnh trẻ em dưới 7 tuổi phải được cha mẹ đồng ý
- Dược liệu
- 00:08 - 02/10/2017
Đây là nội dung của Thông tư 9/2017/TT-BTTTT Quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phầm của Bộ Thông tin - Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 1/10. Thông tư này được kỳ vọng sẽ là “lá chắn” để bảo vệ trẻ em trước các phương tiện truyền thông.
Không chỉ truyền hình hay báo hình mà phát thanh, báo in, báo điện tử phải đưa ra nội dung cảnh báo ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết và thể hiện được nội dung khuyến cáo như trên hay các khuyến cáo khác như: Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị trước khi đọc, nghe, xem; cha mẹ, người lớn cần hướng dãn nếu trẻ em đọc, nghe, xem; chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem.
Các sản phẩm truyền thông phải có khuyến cáo nếu nội dung không phù hợp với trẻ em.
Theo Thông tư này, các xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ tại bìa 4 và trang tên sách theo các lứa tuổi sau: dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, dành cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 11 tuổi, dành cho trẻ em từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Thông tư cũng quy định, đối với báo in, báo hình, báo điện tử, xuất bản phẩm, khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trên xuất bản phẩm, trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật, nếu trẻ em dưới 7 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành, nếu từ 7 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của trẻ em, và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.
Thông tư cũng quy định, các chương trình giải trí, ca nhạc, văn nghệ, kể chuyện, phim hoạt hình, trò chơi, truyền hình thực tế và các chương trình tương tự khác dành cho trẻ em phát tối thiểu 10 phút/lần/phát sóng; phát tối thiểu 1 lần/ tuần, trong tháng hành động vì trẻ em hàng năm, tăng tần suất phát sóng mới lên tối thiểu 2 lần/tuần; thời điểm phát sóng của những chương trình này được quy định trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 22 giờ hằng ngày, ưu tiên khung giờ từ 18 giờ - 21 giờ trong chuyên mục, chuyên đề về trẻ em của kênh chương trình.
Báo chí khi đăng hình ảnh trẻ em phải được sự đồng ý của bố mẹ trẻ.
Ngoài ra, các kênh truyền hình cần phát tin tức về trẻ em (tối thiểu 60 giây/lần phát sóng), các chương trình khoa giáo, phổ biến kiến thức (tối thiểu 5 phút/lần phát sóng), tỉ lệ phát sóng chương trình thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải đạt từ 2 - 5 % tổng thời lượng phát sóng của kênh chương trình trong 1 tuần.
Đối với báo in, báo điện tử, hàng tuần đăng tối thiểu 5% số lượng tin, bài có nội dung dành cho trẻ em, đối với tạp chí chuyên ngành về văn hóa xã hội là 2%.
Thông tư Quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phầm của Bộ Thông tin - Truyền thông được các chuyên gia về trẻ em cũng như các phụ huynh đánh giá cao. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, Thông tư này được kỳ vọng sẽ là “lá chắn” để bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Theo Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, những nội dung quy định trong Thông tư hết sức cần thiết để bảo vệ trẻ em. Lẽ ra những quy định như thế này đã phải được xây dựng từ lâu, đặc biệt là khi bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin với sự dễ dàng tiếp cận các kênh thông tin trên mạng, truyền hình...
Ở góc độ là phụ huynh, anh Nguyễn Đăng Quang (TP Vinh, Nghệ An) cho rằng, những quy định của Thông tư chính là hồi chuông cảnh báo các phụ huynh quan tâm đến trẻ em nhiều hơn. Hàng ngày, do vô tình không để ý, phụ huynh vẫn cùng con xem những nội dung thông tin chưa phù hợp với lứa tuổi. “Nếu các nội dung không phù hợp với lứa tuổi trẻ con đều có dòng thông tin cảnh báo sẽ nhắc nhở phụ huynh nên có chọn lọc thông tin phù hợp với trẻ. Cha ông ta có câu, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nếu trẻ xem những nội dung phù hợp với lứa tuổi thì cơ hội lớn lên trở thành người tốt chắc chắn sẽ cao hơn”, anh Quang chia sẻ.
Mặc dù đồng tình, ủng hộ nội dung Thông tư nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Thông tin - Truyền thông nên quy định cụ thể hơn, nên thống nhất dấu hiệu cảnh báo cho từng loại hình báo chí: Báo in cảnh báo bằng hình gì? Báo điện tử dấu hiệu ra sao? Báo nói thì âm thanh nào?... Không nên để mỗi cơ quan báo chí làm một kiểu, như vậy sẽ rất khó cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn các em.
Bên cạnh đó, cần phân biệt viết về trẻ em cho trẻ em đọc, hay viết về trẻ em cho người lớn đọc? Bởi tác phẩm viết cho trẻ em đọc cũng không nên đăng trên báo người lớn dù với tỉ lệ rất nhỏ. Vì coi chừng các em sẽ "nhân tiện" đọc luôn các bài viết về vụ án, tình yêu, tình dục... thì không hay.
Bên cạnh đó, cần quy định làm sao để bảo vệ được trẻ em trước rất nhiều nội dung không phù hợp đang được đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội.