THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:24

Hiệu quả mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” ở Đồng Tháp

 

Xác định rõ bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, từ năm 2012, Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp triển khai kế hoạch tuyên truyền xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, phòng chống tai nạn thương tích tại các xã, phường được chọn làm điểm trên toàn tỉnh.

Gia đình có trẻ nhỏ phải đăng ký thực hiện “Ngôi nhà an toàn” với các tiêu chí như: Đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà, đảm bảo an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay trẻ em. Đây được xem là tiêu chí gắn liền với tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên được chính quyền địa phương và nhân dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, cán bộ xã tổ chức tuyên truyền theo định kỳ hàng tháng, theo chuyên đề, trực tiếp truyền thông tư vấn tại cộng đồng, lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm của đoàn thể, buổi sinh hoạt dưới cờ trong trường học và sinh hoạt Câu lạc bộ trẻ em, đồng thời hướng dẫn gia đình biết cách làm cho Ngôi nhà của mình an toàn hơn cho con em mình.

Dạy trẻ em sử dụng các thiết bị điện an toàn.

 

Qua tuyên truyền, vận động về những tác hại nguy hiểm của tai nạn thương tích đối với sức khỏe, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là đuối nước sẽ làm trẻ tử vong, gây mất mát cho gia đình và xã hội, nhận thức người dân ngày càng được nâng lên. Từ đó, các bậc phụ huynh có những biện pháp phòng tránh an toàn như: Làm hàng rào quanh nhà, cử người lớn trông trẻ thường xuyên, các vật dụng về điện, vật sắc nhọn, thuốc trừ sâu, nước sôi, bếp lử.... phải để nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ.

Với cách làm trên, xã Tân Thạnh (huyện Thanh Bình) đã gặt hái được nhiều thành công khi xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ”. Đến nay, mô hình này đã bao phủ toàn xã, gõ cửa đến từng hộ gia đình có trẻ nhỏ; kết quả mang lại hết sức thiết thực. Liên tục hai năm 2012, 2013, xã Tân Thạnh không có trường hợp trẻ em chết do đuối nước, một số loại tai nạn thương tích khác như: Bỏng, điện giật… cũng giảm đáng kể.

Chị Đỗ Thị Bích Thu, ngụ ở ấp Bắc, xã Tân Thạnh cho biết, điểm nổi bật của “Ngôi nhà an toàn” là xây dựng hàng rào xung quanh nhà để phòng chống tai nạn giao thông và đuối nước ở trẻ. Từ khi có hàng rào, bé không còn ra đường, xuống mé sông nữa nên việc trông giữ cũng khỏe hơn. Trước đây, hễ lơ là một chút là bé chạy ra đường rất nguy hiểm.

Còn bà Nguyễn Thị Nhạo (gần nhà chị Thu) cũng tỏ ra yên tâm hơn khi nhiều năm nay việc trông coi 2 cháu nội đã đỡ vất vả và lo lắng hơn nhờ có hàng rào chắc chắn, cháu không chạy ra đường hay xuống sông nghịch nước. Bà Nhạo cũng cho biết, qua hướng dẫn của cán bộ phụ trách trẻ em mà bà đã biết cách bố trí các vật dụng trong nhà sao cho an toàn cho trẻ, đặc biệt là phòng chống điện giật, cháy nổ...

Ở ấp 2, xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười), rất nhiều nhà làm hàng rào bằng cây tre, cây tràm hay bằng lưới trước sân nhưng trông rất đẹp mắt và an toàn cho trẻ. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Kiều, mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” đã phát huy hiệu quả. Xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân có ý thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong đó chú trọng thực hiện tốt các tiêu chí về ngôi nhà an toàn. Tuy nhiên, để công tác này ngày một phát huy hiệu quả hơn nữa, thì mỗi thành viên trong gia đình phải tự nâng cao ý thức trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh những nguy cơ gây tai nạn thương tích, đặc biệt là không được để trẻ tự ý đi chơi mà không có người trông giữ - bà Nguyễn Thị Út chia sẻ.

Qua những kết quả đã đạt được ở Đồng Tháp cho thấy, “Mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ em” đã góp phần phòng, chống các tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em. Với sự quyết tâm của các ngành và địa phương, đặc biệt là người dân trong việc xây dựng ngôi nhà an toàn thì đây sẽ là giải pháp quan trọng để tiến đến “cộng đồng an toàn”, từng bước kiểm soát và khống chế tai nạn thương tích trẻ em một cách hiệu quả.

VÂN KHÁNH - VI THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh