THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:30

Truyền thông tạo lên sự khác biệt trong bầu cử

 

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch UB quốc gia Vì sự tiến bộ tiến bộ của phụ nữ VN (NCFAW); Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, cùng đại diện các cơ quan thống tấn báo chí, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các địa phương.

Cần có ít nhất 30% nữ trong cơ cấu bộ máy nhà nước

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có tiếng nói quyết định thì cần có ít nhất 30% đại diện trong cơ cấu bộ máy nhà nước. Tại Việt Nam, mặc dù  trong hoạt động của Quốc hội và HĐND,  tỷ lệ đại biểu nữ còn phổ biến dưới 30% nhưng các đại biểu nữ đã mang tới diễn đàn chính sách ở Trung ương cũng như địa phương những ý kiến và quan điểm gây nhiều sự quan tâm, chú ý về tầm quan trọng không những về chính sách, chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mà còn là những vấn đề cốt lõi đảm bảo cho sự phát triển bền vững như các góc nhìn về giới, các vấn đề của phụ nữ, vấn đề môi trường, bạo lực gia đình, sinh kế, giáo dục, bảo vệ trẻ em…

 

 Các đại biểu tham dự Hội thảo


Theo số liệu thống kê của Liên minh Nghị viện Thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XIII đạt 24,2%, Việt Nam hiện đang xếp thứ 54 trong tổng số 190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới và đứng thứ 4 trong 10 nước Đông Nam Á có nghị viện. Tuy nhiên nhìn chung tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết 11–NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. Vai trò của phụ nữ trong tham gia lĩnh vực chính trị nói chung và trong cơ quan dân cử nói riêng đang đứng trước thách thức. “Để thực hiện mục tiêu 35% trở lên là nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của nhiệm kỳ 2016 – 2021 cần có những giải pháp đột phá mạnh mẽ đặc biệt đối với công tác truyền thông” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, việc hỗ trợ nâng cao nhận thức công chúng để phá vỡ định kiến cho rằng về bản chất thì nam giới phù hợp với vị trí lãnh đạo hơn so với nữ giới là vô cùng quan trọng của truyền thông. Phương tiện truyền thông là một lực lượng mạnh mẽ tạo ra sự thay đổi và ảnh hưởng lớn nhất của truyền thông trong chính trị là trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử. Truyền thông có thể đóng một vai trò có sức ảnh hưởng quyết định theo nhiều cách để giúp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị.

Truyền thông tạo chính kiến tác động lên hành vi

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, tại Việt Nam tỷ lệ công chúng truyền thông là rất cao. Gần 100% người dân biết đọc, biết viết. Khoảng 50 triệu dân tiếp cận Internet, số điện thoại di động nhiều hơn cả số dân. Đa số công chúng thường nghe là tin, thường ít có đầu óc phê phán với thông tin được cung cấp. Đây là một trong những thế mạnh của truyền thông trong giai đoạn hiện nay. “Quyền lực của truyền thông là vô cùng to lớn. Truyền thông tác động lên công luận và hình thành chính kiến. Truyền thông hình thành hình ảnh công chúng, hình ảnh công chúng tác động lên hành vi” – ông Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, cần tập trung nhấn mạnh trong quá trình truyền thông một số đặc điểm sau: Viết bài về sự cần thiết phải có 30% là đại biểu nữ về giá trị gia tăng của họ; phỏng vấn các đại biểu nữ tiêu biểu; phỏng vấn các ứng cử viên nữ; đăng tải các chương trình hành động của ứng cử viên nữ…

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng đưa ra gợi ý cho các cơ quan truyền thông, đối với các nhóm đối tượng chính cần truyền thông có thể chia làm 3 nhóm đối tượng: Nhóm đối tượng là người xây dựng chính sách và trực tiếp thực hiện công tác bầu cử cần nhấn mạnh đến Luật Bầu cử quốc hội và HĐND các cấp. Nhóm đối tượng là cử tri: truyền thông góp phần nâng cao hiểu biết về vai trò của, vị trí của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, giảm thiểu định kiến giới và tích cực ủng hộ phụ nữ tham chính.

Đặc biệt đối với cử tri là nam giới, truyền thông cần xây dựng hình ảnh nam giới cùng gánh vác công việc gia đình, vợ chồng chia sẻ quyền ra, quyền quyết định đối với những công việc quan trọng tại cộng đồng và nơi làm việc. Và trách nhiệm của nữ cử tri phải tham gia bầu cử trực tiếp, không được “nhờ người đi bầu hộ”, đánh mất quyền, nghĩa vụ công dân của mình.

Nhóm đối tượng là nữ ứng cử viên: truyền thông góp phần khích lệ họ tự tin về vai trò, khả năng lãnh đạo của mình, từ đó phát huy hết khả năng trong hoạt động tham chính, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

N.Síu - Quách Tuấn / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh