Truy tặng danh hiệu Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho Mẹ Bùi Thị Hoạt
- Người có công
- 07:22 - 21/10/2021
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, bà Trần Thị Phương Hoa, Thành Ủy viên, Bí thư Quận uỷ Cầu Giấy đã trao Bằng truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho thân nhân mẹ Bùi Thị Hoạt, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy có chồng và con là liệt si,.
Trong buổi lễ trang nghiêm, thay mặt cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân quận Cầu Giấy, bà Trần Thị Phương Hoa bày tỏ lòng thành kính và suy tôn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Hoạt.
Mẹ Bùi Thị Hoạt sinh ngày mùng 5/2/1916 trong một gia đình nông dân tại xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cách mạng tháng 8, Mẹ đã tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc tại Quảng Bình. Đến năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến, Mẹ tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc tại Hà Tĩnh và Nghệ An. Năm 1954, hoà bình lập lại, Mẹ theo chồng về tiếp quản Nhà máy dệt Nam Định và làm công nhân dệt.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, trăm bề gian khổ, trong lúc chồng đi thoát ly kháng chiến, một nách 7 con thơ, Mẹ đã lăn lộn nuôi các con trưởng thành. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mẹ là công nhân của 2 Nhà máy lớn là Nhà máy Dệt Nam Định và Nhà máy Dệt 8-3, khi đó là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Mặc dù địch đánh phá rất ác liệt nhưng Mẹ vẫn bám trụ theo ca, gương mẫu trong sản xuất và chiến đấu. Năm 1964, Mẹ đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1966, Mẹ làm công nhân tại Nhà máy Dệt 8-3 cho đến khi về hưu.
Chiến tranh luôn gây mất mát, đau thương. Mất mát lớn nhất là mất mát về con người; đau thương lớn nhất là nỗi đau của người Mẹ mất con, người vợ mất chồng. Trong trận chiến 12 ngày đêm máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội năm 1972, chồng của mẹ là liệt sĩ Nguyễn Văn Ngoạn, nguyên Phó Giám đốc nhà máy Dệt 8/3 đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trực chiến bảo vệ kho tàng, tài sản của nhà nước. Sự ra đi của người chồng đã để lại cho mẹ sự hụt hẫng, trống vắng trong cuộc đời. 3 năm sau, nỗi đau lại đè nặng trên đôi vai của mẹ, người con trai út sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã xung phong vào Nam chiến đấu và đã anh dũng hy sinh tháng 5/1975 khi vừa tròn 20 tuổi ngay tại cửa ngõ Sài Gòn trong ngày hoà bình đầu tiên sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Mẹ cố nén đau thương, vượt qua những mất mát, nuôi dạy các con trưởng thành. Cho đến khi về hưu, mẹ luôn là đảng viên gương mẫu tại khu dân cư nơi mẹ sinh sống. Những người con của mẹ có người là Đảng viên, là lãnh đạo, cán bộ quản lý trong các cơ quan nhà nước luôn gương mẫu, phát huy truyền thống của gia đình, sống có ích cho xã hội. Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của Mẹ đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Cuộc đời và sự cống hiến cực kỳ to lớn của Mẹ đã làm rạng ngời phẩm chất cao quý "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của người phụ nữ Việt Nam, cuộc đời và sự cống hiến của Mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ học tập và noi theo.
Nhân dịp này, bà Trần Thị Phương Hoa, Bí thư Quận uỷ đề nghị các ban, ngành, đoàn thể từ quận đến phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi, động viên các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trên địa bàn quận phát huy truyền thống cách mạng, tích cực học tập, rèn luyện đạo đức góp phần xây dựng quận Cầu Giấy ngày càng giàu đẹp, văn minh.