THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Trường nghề dễ tìm việc, vẫn khó tuyển sinh

 

Trường nghề: Sự lựa chọn cuối cùng

Theo số liệu thống kê hiện cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2017, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tuyển sinh được 2.204.400 người, trong đó: Trình độ cao đẳng là 230.400 sinh viên; trung cấp: 310.000 người. Sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng: 1.664.000.

Theo đánh giá của Vụ Dạy nghề chính quy (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp ( Bộ LĐ-TB&XH) năm 2017, các trường cao đẳng, trung cấp cả nước đã thu hút 2,2 triệu người học nghề (đạt tỷ lệ 100,2% so với kế hoạch). Mức lương khởi điểm cao đẳng nghề là 4,2 triệu đồng/tháng; trung cấp nghề là 3,6 triệu đồng/tháng. Nhiều cơ sở dạy nghề đã xác định được công tác tuyển sinh là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định sự tồn tại và phát triển của trường. Tỉ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt từ 80- 90% và có ngành nghề đạt 92% trở lên, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động... Tuy nhiên, công tác phân luồng  học sinh sau khi tốt nghiệp THCS để vào học nghề chưa được thực hiện tốt, chỉ có 5- 7% số học sinh THCS tốt nghiệp vào học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.

 

Các trường nghề liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

 

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội Trần Xuân Khánh cho biết, mặc dù tỉ lệ sinh viên của trường có việc làm đạt hơn 80% nhưng cũng như nhiều trường nghề khác, công tác tuyển sinh gặp khá nhiều khó khăn do học sinh và phụ huynh vẫn mong muốn học đại học vì tâm lý ưa chuộng bằng cấp hiện nay vẫn còn nặng nề. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng, phân luồng chưa tốt trong khi số lượng trường đại học, cao đẳng quá nhiều nên đa số các em không thi vào được đại học, cao đẳng mới vào học nghề. Học sinh coi học nghề là sự lựa chọn cuối cùng, dẫn đến bất cập về cơ cấu trình độ phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động xã hội.

“Năm nay, Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn trong xét tuyển đại học càng khiến các trường nghề thêm khó khăn trong công tác tuyển sinh. Chưa bao giờ đi học đại học lại dễ dàng đến như vậy,  nên nhiều em sẽ chọn vào đại học, cho dù có nhiều phụ huynh, các em học sinh biết học xong chưa chắc đã có được việc làm” – ông Khánh tâm tư.

Ông Nguyễn Đắc Hiển - Trưởng phòng đào tạo Trường trung cấp nghề Hùng Vương cũng cho cho rằng: “Những năm qua việc tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn. Với suy nghĩ  muốn học đại học để khi ra trường sẽ làm việc nhẹ nhàng, trong khi học nghề ra sẽ làm công nhân, khó kiếm việc làm, lương thấp khiến công tác tuyển sinh của trường nghề rất khó khăn”.

Ông Lê Hồng Khanh, Phó Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Năm 2017 chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 1.900 (cao đẳng 1.500 chỉ tiêu, trung cấp 400). Tuy nhiên, đến hết năm 2017, hệ trung cấp chỉ tuyển được 200, cao đẳng mới tuyển được 1.200 chỉ tiêu. “Lâu nay, học nghề vẫn được xem là sự lựa chọn cuối cùng của học viên. Tâm lý sính bằng cấp của xã hội, coi trọng bằng đại học hơn là học nghề cũng là một thực tế dẫn đến công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp khó khăn. Với quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng như năm nay, thí sinh khó lòng trượt đại học, do đó việc tuyển sinh đã khó khăn, nay còn khó khăn hơn”- ông Khanh lo ngại.

Nhiều cơ hội việc làm cho người học nghề

Nhằm giải bài toán tuyển sinh, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều trường nghề đã liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên học phí, “bao tiêu” đầu ra.

Trường nghề cam kết đầu ra cho học sinh, sinh viên.

 

Để thu hút thí sinh cũng như giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với các DN,  trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Nội đã triển khai chương trình đào tạo kép theo mô hình của Đức; trong đó gắn chặt việc học với nâng cao kỹ năng tay nghề cho sinh viên, nâng tỷ lệ thực hành đào tạo hiện nay lên 70%.

Ông Trần Xuân Khánh cho biết, với chủ trương coi chất lượng là yếu tố then chốt trong công tác tuyển sinh và đào tạo, sinh viên là khách hàng, là trung tâm của mọi hoạt động của nhà trường vì vậy nhà trường phải có trách nhiệm đến cùng với người học. Khi tuyển sinh, trường cam kết 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm. Các chương trình đào tạo linh hoạt theo nhu cầu xã hội đào tạo theo chương trình quốc tế như…, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, hoặc đào tạo tại doanh nghiệp.

“Hiện nay, nhà trường đã kết nối và cung cấp lao động thường xuyên cho các doanh nghiệp như: Samsung, Canon, Tổng công ty Lilama, Tập đoàn Hòa Phát. Sinh viên cũng được trực tiếp học ngay tại doanh nghiệp. Với việc đào tạo sát thực tế nên hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm ngay. Bên cạnh đào tạo theo các chương trình truyền thống, trường đang mở rộng đào tạo cho đối tượng lao động đi xuất khẩu. Theo đó, trường thực hiện đào tạo cả ngày, chú trọng đến các kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập như ngoại ngữ, văn hóa nước bản địa, kỹ năng sống. Trước khi lập kế hoạch, nhà trường tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của sinh viên, của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là nhu cầu của doanh nghiệp về số lượng, yêu cầu về kỹ năng từng ngành nghề… từ đó xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp” – ông Khánh cho biết thêm.

Đánh giá về kết quả giải quyết việc làm của các trường nghề, ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy ( Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, thực tế, nhiều trường, nhiều ngành nghề đã cam kết với người học ngay khi tuyển sinh là có việc làm sau tốt nghiệp, nếu không sẽ hoàn trả học phí. Thế mạnh của giáo dục nghề nghiệp chính là thời gian đào tạo ngắn, chi phí không cao mà lại có nhiều cơ hội việc làm tốt, thu nhập đảm bảo. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp trình độ trung cấp, sơ cấp và cao đẳng sau tốt nghiệp có việc làm cao (trung bình hàng năm trên 70%). Nhiều ngành, nghề có tỷ lệ việc làm 90 - 100% sau tốt nghiệp (Hàn, Cắt gọt kim loại, Điện công  nghiệp, Công nghệ ô tô, Quản trị khách sạn...); Nhiều ngành, nghề  không đủ cung cấp nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp và người sử dụng lao động (Hàn, Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp...).

Ông Giang khẳng định cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường rất lớn. Với hơn 800 nghề thuộc hệ cao đẳng và hơn 500 ngành nghề trung cấp, học sinh có thể chọn lựa ngành nghề phù hợp khả năng và sở thích. Điều quan trọng là học viên có trau dồi kỹ năng, đáp ứng được vị trí mà đơn vị tuyển dụng đang yêu cầu hay không.

Theo ông Giang, từ năm 2018, các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề phải tạo những bước đột phá mới trong công tác đào tạo để thu hút người học, đồng thời giải quyết bài toán tồn tại và sáp nhập nếu hoạt động không hiệu quả. Giải quyết vấn đề tuyển sinh và hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cho học viên, Tổng cục Dạy nghề đang áp dụng chương trình thí điểm giáo dục cấp độ quốc tế đối với trường giáo dục nghề.

Theo đó, 12 chương trình giáo dục tiên tiến của Australia đang được đưa vào thí điểm đối với khoảng 40 trường đào tạo nghề trên toàn quốc. Toàn bộ chương trình dạy, đề thi, phương pháp, công nghệ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của Australia. Kết thúc khóa học 3 năm, sinh viên sẽ được cấp bằng cao đẳng hoặc cao đẳng nâng cao từ nước này. Đồng thời, người học còn được cấp thêm một bằng Việt Nam sau khi học xong một số môn chung theo quy định. Ngoài ra, trong năm 2018, hệ thống giáo dục nghề sẽ chuẩn bị triển khai đào tạo 22 nghề quốc tế trọng điểm chuyển giao từ Đức. Sinh viên được đào tạo theo mô hình đào tạo kép, kết hợp giữa nhà trường, nhà tuyển dụng lao động và doanh nghiệp. Chương trình học chất lượng cao cho hệ cao đẳng nhận được sự đầu tư. Nguồn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ được tổng cục đầu tư lại cho các trường: Giảng viên đều là chuyên gia đầu ngành đến từ Australia, Đức và cơ sở vật chất giảng dạy cũng được mua trực tiếp từ các quốc gia tiên tiến này.

 

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội:

"Ý thức khởi nghiệp phải gắn với học sinh"



Công tác hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay chưa bài bản, mới chủ yếu là giới thiệu các trường ĐH, CĐ làm như vậy là làm ngược. Cái làm đúng của hướng nghiệp là phải giúp cho học sinh tự đánh giá năng lực, sở trường, sở thích, hoài bão ước mơ của mỗi HS để phát huy.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng làm hướng nghiệp cho 100% HS, dẫn dắt học trò dần dần từ lớp 10 đến lớp 11, 12 và làm trực diện HS với nhà tư vấn 1 – 1 chứ không làm chung chung. Phòng Tham vấn học đường của trường Đinh Tiên Hoàng có vai trò rất quan trọng trong trong việc hướng nghiệp cho học sinh, cũng phải dành đến 50% thời gian cho việc này.

Thực tế, có nhiều em HS cá tính nhưng chọn nghề lại không phù hợp với mình. Ví dụ một HS cá tính bộp chộp, không kiên trì mà lại theo học ngành Kế toán. Khi ấy nhà tư vấn giúp HS phản biện nhưng không chọn thay mà chính HS phải tìm hiểu để lựa chọn cho đúng ngành nghề phù hợp với mình. Bên cạnh đó, HS cũng cần tìm hiểu, phát hiện thị trường lao động đang cần những nghề gì và nghề nào phù hợp với mình mới theo học, không nên lãng phí học những nghề mà ra trường không nơi nào cần đến, như vậy khác nào một bi kịch.

Điều quan trọng là ý thức khởi nghiệp phải gắn với học sinh. Các em HS không nên bằng bất cứ giá nào để vào được ĐH. Việc yêu thích một nghề sẽ có nhiều cách để đến với nghề, nhưng trước mắt HS phải chọn những gì phù hợp với mình, nếu điều kiện gia đình còn khó khăn HS nên đi học nghề ngay để làm nghề rồi sau đó sẽ vừa làm vừa học.

Đặc biệt, hướng nghiệp để còn tạo thêm động lực học và trách nhiệm của HS với gia đình, xã hội và chính bản thân HS. Điều mà hiện nay chúng ta vẫn coi nhẹ đó là lo văn, toán chứ chưa rèn HS phải ý thức trách nhiệm với cuộc sống. Bởi hiện nay đa số HS cứ thích thì làm chứ chưa hiểu được quyết định của mình sẽ ảnh hưởng đến gia đình, bản thân và xã hội như thế nào.

CHÂU ANH - HẠ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh