THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:10

Khi cánh cửa trường đại học mở toang

 

Bắt đầu từ năm 2018, kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sẽ không áp dụng điểm sàn. Việc bỏ điểm sàn đồng nghĩa tạo điều kiện tuyển sinh cho các trường thuộc top dưới, gia tăng cơ hội đỗ đại học cho các thí sinh. Mong muốn lập thân, lập nghiệp bằng con đường khoa cử rất đáng trân trọng nhưng trước thực trạng cử nhân thất nghiệp như hiện nay thì liệu bằng mọi giá để có tấm bằng đại học có nên không?

Phổ cập đại học?

Theo con số thống kê của Bộ GD&ĐT kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có tổng cộng 887.396 thí sinh dự thi, trong đó 519.497 thí sinh (59%) dự thi để xét tốt nghiệp và đại học. Đến năm 2017, cả nước có gần 860.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm. Trong đó hơn 643.000 thí sinh (75%) thi để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao hơn năm trước 5%.

Điều đó cho thấy xu hướng thi vào ĐH, CĐ của học sinh trong cả nước vẫn ngày một tăng, cho dù tình trạng cử nhân đại học ra trường thất nghiệp không có việc làm ngày càng tăng. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ không áp dụng điểm sàn đại học mà để các trường tự quyết định mức điểm. Như vậy có nghĩa chưa bao giờ cánh cổng ĐH, CĐ lại rộng mở như hiện nay. Để trúng tuyển vào các trường đại học có uy tín, có thương hiệu thì không dễ, nhưng để vào các trường đại học “bậc trung” thì quá dễ dàng. Năm trước, chỉ cần đạt điểm sàn 15 điểm/ 3 môn trong cụm môn xét tuyển, nhiều em đã được trúng tuyển vào đại học công lập.

 

Bỏ điểm sàn xét tuyển đại học khiến cánh cửa đại học rộng mở với nhiều thí sinh.

 

Băn khoăn về việc bỏ điểm sàn để các trường đại học tự chủ tuyển sinh, Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH), Viện sĩ, nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc cho biết, ở các nước có nền giáo dục phát triển như Anh không có điểm sàn, không công bố điểm xét tuyển ĐH, CĐ trên giấy tờ nhưng học sinh thi theo hình thức thi chung. Đề thi đều do Bộ GD-ĐT ra và chấm, rồi kết quả trúng tuyển vào trường nào đều được gửi vào máy điện thoại cho học sinh. Còn ở Mỹ, căn cứ vào điểm thi THPT, các trường ĐH, CĐ có thể sắp xếp việc học tập theo ngành nghề cho học sinh tùy theo số điểm thi và năng lực của các em. Nước này đã phân luồng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS và THPT.

Điều đó cho thấy nhiều nước đã không có điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ nhưng ở nước họ vấn đề phân luồng nghề nghiệp cho học sinh theo năng lực, sở thích của các em ngay từ khi học trung học.

Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc, Nghị quyết lần thứ XI của Đảng đã đề ra là ngành Giáo dục phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn thì có nghĩa là mở rộng cho các trường ĐH, CĐ được phép tuyển sinh nhằm đảm bảo thu nhập cho các trường nhưng có thể sẽ dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng đào tạo. Hệ lụy của vấn đề này là tình trạng sinh viên thất nghiệp không xin được việc làm gia tăng.

Mấy năm gần đây, mỗi năm nước ta có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là hệ quả của việc học sinh được tuyển mở rộng vào các trường ĐH, CĐ nhưng trình độ và kỹ năng không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của xã hội. “Việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn phải tính đến giải quyết tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng gia tăng”- GS.TSKH Phạm Minh Hạc đề xuất.

Còn Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội – PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng, xét về nguyên tắc, đây cũng là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ ĐH. Vì vậy, năm nay việc các trường phải đưa ra điểm xét tuyển của mình cũng chính là để các trường tuyên bố với xã hội để xã hội nhìn nhận được tốt hơn về cam kết chất lượng đào tạo của từng trường. Ngoài ra, chất lượng còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình đào tạo, do vậy nếu trường mà điểm chuẩn đầu vào cao nhưng trong quá trình học giảng dạy mà sinh viên không chú ý thì giá trị gia tăng của sinh viên ngược lại cũng nhiều. Do vậy chất lượng ở đây là trường đào tạo xong sinh viên ra trường có việc làm, đó là điều chúng ta để ý đến chất lượng chứ không phải chất lượng phụ thuộc bằng đầu vào.

Khó quản lý chất lượng đầu vào

TS.Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng quy định “mở” này sẽ giúp các trường chủ động hơn trong việc tuyển sinh đầu vào. Xét về nguyên tắc, đây cũng là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ ĐH. Tuy nhiên, ông Nhân băn khoăn: “Quy định này sẽ có một điểm bất lợi vì sẽ khó quản lý chất lượng đầu vào. Chắc chắn sẽ có trường hạ điểm trúng tuyển xuống mức thấp hơn điểm sàn tối thiểu các năm để thu hút người học”.

 

Mở cửa đầu vào đại học, chất lượng đầu ra có đảm bảo?

 

Ông Nhân cho biết: “Tự chủ là điều đương nhiên cần làm nhưng trong điều kiện thực tế nền giáo dục trong nước thì đây sẽ là bài toán khó trong việc quản lý chất lượng đào tạo. Đặc biệt có những trường chỉ vì lợi nhuận, để thu hút nhiều người học thì quy luật tất yếu là giảm điểm chuẩn, chất lượng người học sẽ ảnh hưởng. Do vậy, một khi đã thả lỏng đầu vào thì chỉ còn cách kiểm soát chất lượng đầu ra”.

Nói về việc bỏ điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM Đỗ Văn Dũng  cho rằng, không có tiêu chí này sẽ xảy ra tình trạng các trường tuyển sinh đại học tràn lan, vượt chỉ tiêu. Lúc đó, tuyển sinh chất lượng đầu vào thấp, cùng với chương trình giảng dạy của trường không đảm bảo sẽ dẫn đến đầu ra thấp.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng dự báo, nếu bỏ điểm sàn thì việc phân luồng thí sinh như các năm sẽ thất bại. "Trước đây, những em trên điểm sàn vào đại học, dưới điểm này vào các trường cao đẳng, trường nghề. Nay nhiều em không đạt điểm sàn cũng cố gắng vào một trường đại học nào đó lấy điểm thấp, không muốn vào học nghề nữa.  Việc bỏ điểm sàn đại học chỉ phù hợp khi nước ta có một môi trường đại học đồng đẳng, các trường đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nhất định” – ông Dũng nói.

Khá trăn trở với chủ trương mới này, TS Nguyễn Kim Quang - Hiệu phó Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, những năm trước điểm sàn mang ý nghĩa vừa đảm bảo chất lượng đầu vào, vừa định hướng phân luồng thí sinh. Nếu bỏ điểm sàn, nhiều em sẽ cố vào một ngành nào đó ở bậc đại học thay vì chọn các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Khi đó, thí sinh sẽ không phát huy được năng lực của mình, nhiều người phải bỏ học giữa chừng. Ông Quang cũng cho rằng, nếu bỏ quy định điểm sàn thì Bộ Giáo dục phải cân nhắc đến thực trạng trên và có biện pháp phân luồng thí sinh thích hợp. Các trường đại học cũng cần có những khuyến cáo với thí sinh để các em không mơ hồ về tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra ở các ngành học.

Bày tỏ lo ngại chất lượng ĐH sẽ đi xuống GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao chót vót đến 98%, giờ nếu bỏ điểm sàn thì tất cả học sinh tốt nghiệp THPT sẽ vào hết ĐH. Như vậy, sẽ không còn ĐH tinh hoa như trước đây mà là ĐH đại chúng, thậm chí là phổ cập ĐH. Điểm sàn là để chọn lựa những em có học lực khá vào ĐH, giờ bỏ đi thì ai cũng có thể vào ĐH được, thậm chí có thể lọt cả những em chưa đọc thông, viết thạo, dẫn đến chất lượng ĐH sẽ đi xuống.

“Khi nguồn nhân lực chất lượng thấp thì xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả. Nếu nới “đầu vào” và kiểm soát chặt “đầu ra” mà tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 50% thì xã hội có chấp nhận không?” GS Đào Trọng Thi đặt nghi vấn.

CHÂU ANH - HẠ HÒA (Còn nữa)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh