Trường mầm non dạy trẻ 3 tuổi sáng tạo trong rừng
- Giáo dục nghề nghiệp
- 20:12 - 11/01/2016
Bé Stelyn Carter, 5 tuổi, nói thêm “cháu thích yên lặng nghe tiếng chim –nào quạ, nào cú, nào sẻ ngô”.
Còn Joshua Doctorow, 4 tuổi, cho biết điều em thích nhất ở trường chỉ là em có thể đội cái mũ ưa thích đi học (cái mũ đen, sờn có vành rũ xuống che cả tai).
Cả ba em là học sinh trường Fiddleheads, các em học mỗi ngày 4 tiếng trong một khu rừng nhỏ kề bên, dù mưa hay nắng.
Lớp học nằm giữa những vòm cây chót vót thuộc Vườn Bách thảo Đại học Washington (University of Washington Botanic Gardens).
Chương trình học này đã bước sang năm thứ ba, chỉ cách Microsoft chưa tới 7 dặm, nghĩa là một số cha mẹ ngồi cả ngày trước máy tính để sáng chế kỹ thuật số, trong khi đó các em ở trường Fiddleheads làm chữ cái bằng gỗ, đá trong xe cút kít.
Trẻ học ngoài trời hằng ngày
Được sáng lập năm 2012 nhờ Kit Harrington, giáo viên mầm non, và Sarah Heller, nhà giáo dục khoa học và tự nhiên học, Fiddleheads góp phần tạo nên xu hướng rộng khắp cả nước Mỹ, vượt cả chương trình Waldorf - một chương trình giáo dục nhấn mạnh hoạt động vui chơi ngoài trời - ngay cả khi thời tiết khắc nghiệt.
Tại Trung tâm Thiên nhiên Chippewa ở Midlands, Mich, được thành lập năm 2007, trẻ em đội mũ và găng tay hở ngón suốt thời gian học ngoài trời hằng ngày trong những tháng mùa đông buốt giá. Học sinh trường All Friends Nature ở San Diego thường dành cả buổi sáng để làm lâu đài cát trên bãi biển.
Ở trường mầm non Drumlin Farm, Lincoln, Mass., được thành lập năm 2008, học sinh học cách cho gia súc ăn, học trồng rau quả và khám phá vùng nông trại rộng lớn dành cho sinh vật hoang dã.
Dù cho các trường này đang nổi lên nhằm phản ứng với mối lo ngại rằng giáo dục sớm đang ngày càng nặng tính học thuật hay chỉ vì các bậc cha mẹ nghĩ rằng dạo chơi thơ thẩn trong rừng nghe có vẻ như vui đùa hơn là ngồi vào bàn học - thì hiện nay các trường này vẫn không ngừng trở nên phổ biến.
Tiến sĩ Christ Merrick cho biết, Liên minh Khởi động Thiên nhiên (The Natural Start Alliance) ra đời năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu gia tăng số lượng trường mầm non, hiện giờ có 92 trường chủ động đưa thiên nhiên vào trọng tâm các chương trình giáo dục, qua đó trẻ em dành một lượng thời gian đáng kể trong ngày cho hoạt động ngoài trời.
Một ngày điển hình ở trường Fiddleheads bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Desi, Stelyn, Joshua và các bạn cùng học sẽ mặc áo chống thấm để leo đồi, thỉnh thoảng sẽ bị trượt, ngã ướt sũng; làm pháo đài bí mật dưới vòm cây, và nghiên cứu giun đất bằng bàn tay lấm lem.
Học sinh tiếp tục hành trình “đi bộ lắng nghe” (“listening walks”) cùng thầy cô và suốt buổi các em đứng thành vòng tròn, không nói chuyện riêng, nhắm mắt và gọi tên những thứ các em có thể nghe thấy, như gió và mưa. Các em cũng ăn trưa, ca hát và thỉnh thoảng cãi nhau vặt vãnh dưới bầu trời bao la và những tán cây cao vút.
Stelyn Carter, 5 tuổi và Alma Essers, 3 tuổi dùng gốc cây làm bàn học.
Mẹ của Desi, chị Judy Lackey, 34 tuổi, hài lòng nhận xét: “Đó đúng là nơi kỳ diệu. Trong nhà, giáo viên lên kế hoạch mọi thứ. Ở đây, bạn chẳng bao giờ biết được mình sẽ thấy gì”.
Ủng hộ tự do lựa chọn
Trong khi học sinh được các giáo viên đã qua đào tạo theo dõi, ngôi trường này ủng hộ tự do lựa chọn khám phá hướng tới học hỏi. Do đó, khi học sinh được xếp vào một trong các nhóm tìm hiểu giun đất trong một bình tưới cây, trường đã phải trao đổi với một giáo viên tự nguyện, Marnie O’Sullivan, xem loại giun đất nào có thể gây hứng thú nhất.
“Chúng ta chỉ suy nghĩ và tìm tòi cái chúng ta muốn hiểu biết, và chúng ta nhất định sẽ làm thế”, em Stelyn nói.
Lớp học có các quy định, và Stelyn, một trong những em lớn nhất lớp, sẽ nhanh chóng giải thích cho mọi người:
“Nếu thấy một con bọ, chúng ta cần thận trọng, tránh giẫm lên nó. Nếu thấy một chiếc lá đẹp, chúng ta hãy nhặt lên và cho nó vào bộ sưu tập của mình”.
Đi bộ một mình vào các lối đi trong công viên (mặc dù các lối đi đó không dành cho xe ô tô) và tưởng tượng gậy, que là kiếm cũng sẽ bị cấm. Tuy nhiên, những quy định như vậy vẫn dành chỗ cho nhiều trải nghiệm khám phá. Từ phổ biến nhất ở trường Fiddleheads là “nhận thấy”, chẳng hạn “Em nhận thấy gì ở khúc cây bị gãy?”, học sinh trả lời “Em thấy nấm”.
Adele Miroite, 3 tuổi nói: "Cháu yêu trường học".
Cô Harrington nói: “Có ngày chúng tôi đang chuẩn bị, sắp xếp thì nghe tiếng đại bàng gọi nhau, thế là chúng tôi chạy ra nhìn lên trời”, “Bọn trẻ rất giỏi chia sẻ niềm vui và những mối băn khoăn”.
Fiddleheads là một trong gần 18 trường mầm non có mô hình tương tự được thành lập ở vùng Seattle kể từ năm 2005. Giờ đây 18 trường có vẻ không đủ đáp ứng.
Hiện có 51 trẻ trong danh sách chờ được nhận vào Fiddlehead và 143 trẻ trong danh sách năm kế tiếp. Đó là sau khi trường này đã tăng gấp đôi số lượng ghi danh từ 20 học sinh một lớp đến 50 học sinh hai lớp năm nay. Và cha mẹ học sinh thuộc nhiều thành phần, từ luật sư đến nhân viên kế toán, người sản xuất chương trình truyền hình, v.v..
“Tôi không biết liệu chúng tôi đang ở điểm tới hạn không, có lẽ thế”, giáo sư Bailie nói, thời điểm bà khởi nghiệp làm giáo viên cho một trường mầm non ngoài trời ở Cleveland, bà biết chỉ có khoảng 6 trường trên cả nước khi đó đang thử nghiệm mô hình tương tự.
Còn hiện nay, bà đang dạy một lớp chuyên dành cho giáo viên mầm non có định hướng làm việc ngoài trời.
Trẻ nên dành nhiều thời gian ngoài trời?
Giáo sư Bailie cho rằng việc thúc đẩy giảm khảo thí theo tiêu chuẩn, đồng thời nhiều quan ngại về việc trẻ nhỏ dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị cảm ứng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường giáo dục ngoài trời.
Bà cũng tin tưởng cuốn sách bán chạy nhất năm 2005 “Đứa trẻ cuối cùng trong rừng” (“Last Child in the Woods”) của Richard Louv, rằng cuốn sách đã giúp phổ biến ý tưởng trẻ em nên dành thời gian ngoài trời càng nhiều càng tốt.
Ông Louv lập luận đầy nhiệt huyết trong cuốn sách rằng trẻ em cần vui chơi và khám phá ngoài trời bằng những phương thức không được thiết kế y hệt các phương thức mà cha mẹ và ông bà chúng đã trải qua.
Ông Louv cho rằng, giảm tình trạng béo phì ở trẻ em (8.4% trẻ em Mỹ ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi bị béo phì) bằng cách tăng hoạt động thể chất là lý do quan trọng nhất ủng hộ cho việc vui chơi ngoài trời, và điều đó còn cần thiết hơn cả tập thể dục. Ông nói, trẻ em ngày nay về cơ bản thiếu hụt giao tiếp với thiên nhiên.
Chứng “rối loạn do thiếu thiên nhiên” (nature deficit disorder) cho thấy cái giá con người phải trả cho việc xa lánh thiên nhiên, chẳng hạn như: khả năng sử dụng các giác quan bị suy giảm, khó khăn trong chú ý và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn”.
Mặc dù người ta cố giải quyết “rối loạn do thiếu thiên nhiên” nhưng không phải mọi trường mầm non theo mô hình thiên nhiên đều thực sự mang tính tự nhiên như Fiddlelands, trường này thường được mô tả thuộc loại “vườn trẻ trong rừng” (“forest kindergarten), với đặc điểm không gian trong nhà chỉ là nơi trú ẩn trong trường hợp thời tiết khẩn cấp.
Nhiều trường mầm non thiên nhiên (nature prechool), như Chippewa ở Michigan, cũng có các phương tiện vật chất trong nhà. Giáo sư Bailie và Liên minh Khởi động Thiên nhiên cũng thuộc kiểu trường mầm non thiên nhiên, vì ở đó học sinh trải nghiệm thời gian chủ yếu ngoài trời và trọng tâm của chương trình học tập là thế giới tự nhiên.
Tuy nhiên, một số nhà cung cấp trường mầm non vẫn nghĩ thời gian trong nhà có thể là khoảng thời gian có giá trị bổ sung một ngày tập trung vào hoạt động ngoài trời (và có thể một số trẻ thích hơn).
Cũng có một vấn đề thực tế, đó là giấy phép hoạt động. Nhiều bang ở Mỹ không cho phép một trường tổ chức hoạt động ngoài trời cả ngày nếu trường không xúc tiến xin giấy phép, và các trường không được cấp phép chỉ có thể tổ chức 4 tiếng ngoài trời một ngày. Trên thực tế, đó là yêu cầu của bang Washington và là một trong những lý do trường Fiddleheads chỉ mở cửa đến 1 giờ chiều.
Và còn những đòi hỏi thực tiễn cho việc hoạt động suốt thời gian được cho phép ngoài trời. Trẻ em cần mặc đồ phù hợp, và trang phục loại đó có thể đắt tiền. Thậm chí đối với những người bảo thủ, họ còn cho rằng đôi khi không thực sự an toàn để trẻ em dưới 5 tuổi chơi ngoài trời.
Từ trái sang phải: Audette Laird, 3 tuổi; Danton Young, 4 tuổi; Kojiro, 5 tuổi; Wallace Bobek, 4 tuổi; Bay Wagner, 3 tuổi; và Theodore Oberwetter, 3 tuổi, dừng lại để ăn trưa ở nơi trú chân.
Tại trường Drumin Farm, thuộc khu vực khá lạnh, giám đốc Jill Canelli sử dụng nhiều bộ hướng dẫn xác định khi nào trời quá lạnh, có gió hoặc có băng tuyết để ra ngoài hay không.
Nếu nhiệt độ, khoảng âm 9 độ C, kèm theo gió lạnh thì học sinh học trong nhà. Bản hướng dẫn đó dựa trên tài liệu của Sở Y tế công cộng Iowa (Iowa Department of Public Health), bà Canelli nói. Và nếu địa phương hủy bỏ việc đến trường vì tuyết, thì trường của bà cũng sẽ đóng cửa.
“An toàn là trên hết. Bọn trẻ không thể học nếu không được an toàn”, bà nói thêm rằng các cha mẹ luôn hỏi tại sao học sinh không được ra ngoài theo kế hoạch và bà phải giải thích cho họ đó là hướng dẫn nhiệt độ an toàn của bang Iowa.
Tranh cãi
Deborak Stipek, giáo sư ngành giáo dục ở Đại học Stanford, chuyên nghiên cứu giáo dục sớm (early education), không ủng hộ mô hình giáo dục mầm non ngoài trời. Bà nói, “tôi có cảm giác rằng đây là một ý tưởng lóe lên ngắn ngủi”.
Giáo sư Stipek chỉ ra rằng các chất liệu tuyệt vời từ thiên nhiên có thể được đưa vào hoạt động trong nhà và việc bố trí thời điểm học sinh có thể tự do lựa chọn các hoạt động như các dự án nghệ thuật, xây dựng và may vá sẽ cho phép nhiều “trải nghiệm khám phá”(“adventures”) tự xác định. Bà là người rất tin tưởng trẻ em có thể hưởng lợi thông qua việc dành thời gian ngoài trời, nhưng bà cũng nghi ngờ ý tưởng dành toàn bộ thời gian trong ngày ngoài trời liệu có tốt hơn không?
“Tôi không thấy ích lợi của việc ở ngoài trời để làm một việc mà bạn có thể thực hiện trong nhà” - giáo sư Stipek nói.
Trái lại, với những người điều hành trường Fiddleheads, họ lại chỉ ra lợi ích rõ ràng của việc trẻ em làm một việc ngoài trời mà chúng lẽ ra có thể thực hiện trong nhà.
“Khi tôi dạy trong nhà, mọi chất liệu đều có một mục đích học tập, còn ở đây, cả lớp đều là chất liệu” -cô Harrington, người từng là giáo viên mầm non theo mô hình Montessori nói.
Có nhiều bằng chứng rằng vui chơi ngoài trời làm giảm nguy cơ béo phì, cải thiện sự cân bằng và nhanh nhẹn, điều hòa trẻ em quá hiếu động, giảm căng thẳng, nâng cao tính kỷ luật tự giác, giúp tâm trí thoải mái. Tại Mỹ, người ta cũng đã và tiếp tục tiến hành một vài nghiên cứu chuyên sâu về trường mầm non ngoài trời.
Bà Harrington và bà Heller hy vọng sẽ giúp thay đổi điều này bằng việc mở cửa cho các nhà nghiên cứu. Nghiên cứu đầu tiên, sẽ tiến hành vào tháng 1 năm nay, sẽ tìm hiểu xem trẻ ở các trường ngoài trời tiến bộ bao nhiêu so với trẻ ở nhà hoặc ở các trường mầm non truyền thống. Trưởng nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Pooja Tandon, bác sĩ khoa khi thuộc Viện Nghiên cứu Trẻ em Seattle, Đại họcWashington (Seattle Children’s Research Institute, University of Washington).
Phần lớn các trường mầm non thiên nhiên đều là trường tư; học phí ở trường Fiddleheads là 760 đô la Mỹ/tháng. Nhưng một số nơi khác, như Trung tâm Thiên nhiên Chippewa ở Michigan, đã bắt đầu hợp tác với địa phương sở tại. Học sinh ở gần quận Bullock Creek giờ đây có thể theo học “vườn trẻ thiên nhiên” (“nature kindergarten”) và thậm chí “lớp 1 thiên nhiên” (“nature first grade”) tại trường tiểu học công lập thông thường. |