THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:40

“Lãng quên” bảo vệ ở trường mầm non

 

Nhiều năm qua phần lớn các trường mầm non công lập ở Huế đều thuê bảo vệ trường từ sự đóng góp của phụ huynh học sinh - Ảnh: Đình Toàn.


Một cô giáo tại Trường mầm non Phú Mỹ 1 (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) bộc bạch rằng, để đảm bảo cơ sở vật chất của nhà trường cũng như nhiều đồ dùng thiết bị dạy học có giá trị, góp phần đảm bảo cho các cháu vui chơi học tập an toàn nên bắt buộc trường phải có nhân viên bảo vệ. Tuy nhiên do không có nguồn kinh phí từ ngân sách nên đầu năm học lãnh đạo nhà trường đã họp và thống nhất với các phụ huynh về khoản tiền đóng để trả cho công tác bảo vệ trường. Theo đó toàn bộ trường có khoảng 220 cháu, mỗi cháu đóng trung bình khoảng trên dưới 100 ngàn đồng/năm. Toàn bộ số tiền thu được đủ để trả cho hai nhân viên bảo vệ tại hai cơ sở chính và phụ của trường, trong đó một bảo vệ nhận lương 12 tháng, người còn lại nhận 9 tháng với mức lương khoảng 1,1 triệu đồng/tháng.

Đáng nói Phú Mỹ là xã bãi ngang, điều kiện rất khó khăn nhưng phụ huynh phải “còng lưng” đóng tiền thuê bảo vệ trong khi Nhà nước đã có chính sách, chủ trương dùng ngân sách để trả lương cho bảo vệ các trường mầm non công lập. Hiện toàn huyện Phú Vang có 25 trường mầm non công lập với 76 điểm trường, tất cả đều phải vận động tiền từ phụ huynh để trả lương bảo vệ. Các trường tùy theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà có những mức lương cho nhân viên bảo vệ khác nhau, lương càng cao thì mức đóng của phụ huynh càng lớn. Và như thế người dân cứ âm thầm góp tiền trả lương để thuê bảo vệ, trong đó không ít phụ huynh tưởng rằng việc này là “trách nhiệm tự nguyện” của chính họ.

 

Số liệu của Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, toàn tỉnh hiện có 188 trường mầm non công lập với 399 điểm trường. Theo tính toán của sở, nhu cầu các trường cần có khoảng 276 nhân viên bảo vệ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 19 bảo vệ có hợp đồng được trả lương (theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ), còn các trường tự hợp đồng, tự trả lương cho nhân viên bảo vệ bằng nguồn chi do phụ huynh đóng góp. Trong số 19 bảo vệ hiện có, huyện Phú Lộc có 12 người, TP. Huế có 7 người, các cơ sở mầm non ở các huyện, thị xã còn lại đều “trắng” và nếu có thì do các trường tự thuê và trả lương bằng tiền của phụ huynh. Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh nói rằng, vấn đề hợp đồng trả lương cho bảo vệ ở trường mầm non công lập từ ngân sách đã được HĐND tỉnh đặt ra từ năm 2011, sau khi chuyển đổi các trường mầm non sang công lập, trong đó có việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên. “Việc này đã có chủ trương, Sở GD&ĐT cũng đã thống nhất với Sở Tài chính rồi, nhưng các cấp làm chậm, chúng tôi cũng rất sốt ruột. Tôi nghĩ cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của UBND các huyện, thị xã và TP.Huế cùng ngành nội vụ để công tác bảo vệ trường mầm non cũng như việc chi trả lương được đảm bảo thực hiện theo quy định chung”, ông Hùng nói.

 

Tháng 2.2013, liên sở GD-ĐT, Nội vụ và Tài chính đã họp, thống nhất đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các vấn đề liên quan đến tuyển dụng, trả lương cho nhân viên bảo vệ, cán bộ cấp dưỡng, giáo viên tại các trường mầm non. Tháng 3.2013, Văn phòng UBND tỉnh cũng đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã và TP.Huế, qua đó thống nhất đề xuất của Sở Tài chính về việc tổng hợp số lượng bảo vệ các trường để báo cáo UBND tỉnh, qua đó trình HĐND xem xét phê duyệt, phân bổ ngân sách. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Thanh Niên đã qua hơn 2 năm và rất nhiều kỳ họp HĐND, vấn đề hợp đồng bảo vệ trường mầm non gần như đã bị... lãng quên.

Theo Đình Toàn / thanhnien.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh