THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:29

Trường ĐH Hạ Long "bao cấp" toàn bộ cho sinh viên

 

PCT Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tỉnh Quảng Ninh dự lễ công bố thành lập ĐH Hạ Long

Nguồn tin của TTXVN cho biết, ngày 23/3, tại kỳ họp thứ 19, khóa XII, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã 100% nhất trí thông qua chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập đối với sinh viên học tại Trường ĐH Hạ Long trong các năm học 2015- 2016.

Theo chính sách này, các sinh viên của Trường ĐH Hạ Long tham gia học các ngành đào tạo hệ chính quy được tuyển sinh vào trường trong các năm 2015-2016 sẽ được hỗ trợ tiền học phí hàng tháng bằng mức học phí/tháng phải nộp theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học; được hỗ trợ tiền mua sắm đồ dùng học tập hàng tháng với mức 120 ngàn đồng/sinh viên; hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 40% mức lương cơ sở cho sinh viên thuộc đối tượng miễn, giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 13/7/2013 của Chính phủ.

 

 

Khu ký túc xá của Trường CĐ Sư phạm Quảng Ninh, một trong hai trường cao đẳng sáp nhập thành Trường ĐH Hạ Long.

Ngoài ra, sinh viên học ở Trường ĐH Hạ Long còn được bố trí chỗ ở miễn phí tại ký túc xá của trường nếu khoảng cách từ nhà đến nơi học từ 15km trở lên; trường hợp nhà trường không bố trí được chỗ ở, sinh viên được hỗ trợ tiền thuê nhà 300.000 đồng/tháng, số tháng được hưởng bằng số tháng học thực tế không được ở ký túc xá nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Đối với sinh viên cùng một lúc học nhiều chuyên ngành đào tạo thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với một chuyên ngành đào tạo; sinh viên cùng một lúc thuộc đối tượng của nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích thì được hưởng đồng thời các chế độ theo quy định tại các chính sách đó. Trường hợp sinh viên bị lưu ban hoặc ngừng học thì trong thời gian học lại không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Riêng đối với các sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện đạt loại giỏi, loại xuất sắc, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong học kỳ thì được hưởng theo từng học kỳ, không quá 5 tháng/học kỳ. Cụ thể, sinh viên đạt loại giỏi được hưởng 100% mức lương cơ sở/tháng; loại xuất sắc 150% mức lương cơ sở/tháng. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi được ưu tiên tạo cơ hội về việc làm tại cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ 1/9/2015 đến ngày 30/6/2020.

Trả lời TTXVN, bà Vũ Thị Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết: Việc ban hành chính sách hỗ trợ sinh viên những năm đầu mới thành lập sẽ góp phần giúp cho trường Đại học này phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. "Quảng Ninh là tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn nên có đủ tiềm lực để thực hiện chính sách đột phá này"-bà Oanh nói.

Trước đó, để tăng cường bổ sung đội ngũ cho nhà trường, tại Kỳ họp lần thứ 18, HĐND Tỉnh Quảng Ninh Khóa XII  hồi cuối năm 2014 đã thông qua chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường ĐH Hạ Long giai đoạn 2015-2017, với mức hỗ trợ lớn dành cho chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng; hàng tháng mức lương cơ bản tăng gấp 5 lần đến 10 lần trong 3 năm 2015-2017 và tiền tạo dựng nhà ở từ 3,5 tỷ đến 4,5 tỷ đồng. 


 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh được giao chức Hiệu trưởng trường ĐH Hạ Long

Trường ĐH Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định (Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 13/10/2014) thành lập trên cơ sở sát nhập trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long (trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh) có trụ sở chính đặt tại TP. Uông Bí. Cuối năm 2014, trong lễ công bố quyết định của Thủ tướng thành lập ĐH Hạ Long. TS Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh được giao chức Hiệu trưởng nhà trường.

Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đa ngành nghề và nhiều bậc học, đáp ứng yêu cầu phát triển về giáo dục - đào tạo, dịch vụ, kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh, các tỉnh lân cận và cả nước

Trường ĐH Hạ Long có quy mô: giai đoạn 1, từ năm 2014 đến hết 2018 có trên 4.000 học sinh, sinh viên ở các hệ đào tạo, giữ nguyên các ngành sẵn có của 2 trường cao đẳng hiện đang đào tạo và mở các ngành mới theo yêu cầu của xã hội.
Hệ ĐH của Trường gồm các ngành: thủy sản, du lịch, quản lý văn hóa, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…
Giai đoạn 2, từ năm 2019-2024 và các năm tiếp theo mở thêm các ngành: quản trị văn phòng, quản lý Tài nguyên và Môi trường, công nghệ sinh học, kinh tế. Quy mô tối đa từ năm thứ 10 trở đi là khoảng 10.000 học sinh sinh viên.

 

 


H.B (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh