CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:13

Thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học

* 2015 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi với hai mục đích tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, vậy cơ hội vào đại học của thí sinh thay đổi như thế nào?

- Mùa tuyển sinh tới, mỗi thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và có dấu đỏ của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển, các em chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng, xét tuyển tối đa vào 4 ngành trong cùng một trường ĐH,CĐ. Như vậy, mỗi thí sinh có 16 cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để nộp vào trường khác. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

Cục trưởng Mai Văn Trinh.

* Thang điểm 20 được sử dụng thay thế thang điểm 10, Bộ đã tính đến những khó khăn có thể xảy ra với các trường ĐH, CĐ đã công bố phương án tuyển sinh?

- Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng sự phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước. Thang điểm 20 sẽ giúp các trường tuyển được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường.

Một số trường ĐH, CĐ đã công bố đề án tuyển sinh với thang điểm 10 cho từng môn, các trường chỉ cần nhân hệ số 2 lên với mỗi môn để thống nhất thang điểm 20 trong dữ liệu tuyển sinh.

Việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn, từ đó hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển của các trường ĐH, CĐ.

* Điểm liệt năm nay cũng thay đổi từ 1 lên 2 điểm. Đâu là lý do thưa ông?

- Chính vì việc nâng thang điểm quy đổi của các môn từ 10 lên 20 nên ngưỡng tối thiểu - điểm liệt của thí sinh sẽ nâng từ 1 lên thành 2 điểm, điểm ưu tiên tối đa xét tốt nghiệp THPT cũng sẽ tăng tương ứng từ 4 lên 8 điểm.

* Mức phí mà học sinh phải đóng khi tham gia xét tuyển CĐ, ĐH được quy định như thế nào?

- Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT chủ trương duy trì ổn định các mức thu lệ phí như năm 2014, không tăng thêm mức thu để không gây khó khăn cho thí sinh và gia đình. Cụ thể, thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí. Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí tuyển sinh tính theo số môn thí sinh đăng ký dự thi với mức thu giữ ổn định như năm 2014.

Trước đây, các tỉnh sử dụng ngân sách để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây, theo thống kê sơ bộ, bình quân cả nước chỉ có dưới 20% thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Do đó, phần kinh phí dành cho tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ giảm hơn nhiều so với các năm trước. Bộ GD&ĐT                                                         đề nghị các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách này cùng với làm tốt công tác xã hội hóa để tạo điều kiện đưa thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT đến các cụm dự thi một cách an toàn, thuận lợi.

* Thời điểm công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ được Bộ công bố khi nào?

- Theo quy định, dự thảo công bố 45 ngày sẽ phải ban hành quy chế. Trong thời gian đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân và chuyên gia.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh