Trường Đại học Lao động - Xã hội cơ sở II: Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:50 - 29/01/2017
Đến nay, Trường đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo đại học có chất lượng, có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, trong các ngành: Quản trị Nhân lực, Bảo hiểm, Công tác xã hội, Kế toán và Quản trị kinh doanh. Tiền thân là Trường Trung học Lao động - Tiền lương II, quá trình xây dựng và phát triển của Trường luôn gắn liền với sự phát triển của đất nước. Và đến ngày 15/12/2006, tròn 30 năm kể từ khi thành lập, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định thành lập Trường Đại học Lao động - Xã hội Cơ sở II. Từ 85 sinh viên trúng tuyển khóa I, cho một ngành duy nhất là quản trị nhân lực, đến nay, Trường đã đào tạo gần 7.000 sinh viên gồm đại học hệ chính quy 5.196 sinh viên, đại học vừa làm vừa học 1.695 sinh viên. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình công tác của ngành LĐ-TB&XH, Trường đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, từ Quảng Nam trở vào, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và TP Hồ Chí Minh, mở hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 40 ngàn học viên là cán bộ ngành LĐ-TB&XH, ngành Y tế, Giáo dục, công tác xã, phường, khối đoàn thể... Trường còn chủ động mở các lớp giảng dạy, bồi dưỡng cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, an ninh - quốc phòng, giáo dục thể chất cho hàng chục ngàn sinh viên của nhà trường và của nhiều trường đại học, cao đẳng khác.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thọ Chân và PGS-TS Bùi Anh Thủy trong Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường, 27/12/2016.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Trường rất coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên. Hiện Trường có 23 đơn vị, trong đó có 9 khóa, 3 bộ môn, 8 phòng, 3 trung tâm và 1 trạm y tế. Trong tổng số 215 công chức, viên chức và người lao động số có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ là 151 người. Hội đồng Khoa học - Đào tạo của Trường có 21 thành viên thì hầu hết có trình độ Tiến sĩ, trong số 12 người thường trực hội đồng thì có 4 Phó Giáo sư còn lại là Tiến sĩ.
Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học cũng là hoạt động được Trường quan tâm và thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Thời gian qua, nhiều đoàn cán bộ nhà trường được các cơ quan Chính phủ và tổ chức nước ngoài mời tham gia và trình bày tham luận tại các diễn đàn quốc tế, hội nghị quốc tế quan trọng. Đặc biệt năm 2016, Trường đã phối hợp với một số cơ quan của Chính phủ, các tổ chức quốc tế như Caritas - Đức, TFCF - Taiwan, Hiệp hội Giáo dục và nhân viên - Nga, tổ chức 2 Hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên có uy tín từ hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Trường đã xúc tiến ký nhiều thỏa thuận với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hiện có trên 50 doanh nghiệp đang hợp tác với nhà trường. Quỹ học bổng “Tài năng sinh viên” của Trường có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, thành lập từ năm 2009, đến nay đã nhận được trên 2 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này Trường đã cấp nhiều suất học bổng cho những sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc trong năm học, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo nguồn lực và động viên các em vươn lên.
Nhờ vậy, đến nay, qua khảo sát từ các sinh viên đã học tại trường cho thấy, có 93% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó trên 70% có việc làm phù hợp với chuyên môn, sở thích với thu nhập ổn định ở mức cao. Nhiều cựu sinh viên làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp... được đánh giá cao, trong đó nhiều người từng hoặc đang giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý như giám đốc, phó giám đốc, trưởng các phòng, ban... Cùng với hoạt động chuyên môn, những năm qua, Trường còn rất tích cực trong các hoạt động tri ân người có công với nước và các hoạt động xã hội từ thiện khác. Từ năm 2009 đến nay, lãnh đạo nhà trường đã phối hợp với công đoàn vận động cán bộ, giảng viên, công nhân viên đóng góp cùng với quỹ phúc lợi của nhà trường xây được 9 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn 50 triệu đồng, cùng với sổ tiết kiệm, vật dụng... tặng gia đình người có công với cách mạng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Thủy, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc cho biết: “Thời gian tới, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, chuyển từ xu hướng mở rộng quy mô đào tạo sang chú trọng nâng cao chất lượng và phát triển bền vững theo chiều sâu, Trường sẽ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, vững về chuyên môn, thành thạo các kỹ năng tác nghiệp, có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ cho công việc và giao tiếp. Tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo theo hướng lấy người học làm chủ thể của quá trình đào tạo. Thực hiện kiểm định trường và kiểm định chương trình theo các chuẩn khu vực và quốc tế”.
CÙNG CHUYÊN MỤC
“Xuân nồng ấm, trao yêu thương ” cho HSSV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Nhằm hỗ trợ động viên HSSV có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập và chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn, ngày 30-1, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (thuộc Bộ...
11 tháng trước
Tin nên đọc