THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:59

Trường Đại học Hồng Đức: Ngôi trường mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông

Ngôi trường mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông

Ngày 24/9/1997 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 797/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Hồng Đức trên cơ sở 3 trường Cao đẳng đã có bề dày đào tạo hơn 40 năm gồm: Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Cao đẳng Y tế Thanh Hoá. Đại học Hồng Đức là trường đại học đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được thành lập theo mô hình mới: Đại học công lập, đa ngành, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường được vinh dự mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông - một trong những vị hoàng đế anh minh nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Sự ra đời của Trường Đại học Hồng Đức là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc trong Tỉnh. Đây là trường đại học đầu tiên trên quê hương xứ Thanh, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; có truyền thống hiếu học và khoa bảng hàng nghìn năm.

Trường Đại học Hồng Đức: Ngôi trường mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông - Ảnh 1.

Toàn cảnh trường Đại học Hồng Đức

Ngay sau khi có Quyết định thành lập Trường, ngày 24/12/1997, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 377-QĐ/TU về việc thành lập Đảng bộ Trường Đại học Hồng Đức trực thuộc Đảng uỷ khối cơ quan cấp Tỉnh. Từ tháng 9 năm 2002, Đảng bộ Nhà trường trực thuộc Tỉnh uỷ; Các tổ chức chính trị, đoàn thể trong trường trực thuộc tổ chức đoàn thể cấp Tỉnh. Bộ máy tổ chức của Nhà trường gồm 24 đơn vị trực thuộc, trong đó có 10 khoa, 7 phòng, 1 ban và 3 trung tâm. Nhà trường có 771 cán bộ, giảng viên, trong đó có: 11 tiến sĩ; 80 thạc sĩ; tỉ lệ cán bộ, giảng viên đạt trình độ sau đại học là 18%. Trường có 3 cơ sở: Cơ sở 1 (Cao đẳng Sư phạm) tọa lạc tại phường Đông Sơn; cơ sở 2 (Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật) đặt tại phường Trường Thi; cơ sở 3 (Cao đẳng Y tế) tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.

Từ sự đoàn kết, thống nhất, trường ĐH Hồng Đức đã tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, không ngừng mở rộng và đa dạng các loại hình, ngành nghề, trình độ đào tạo và bồi dưỡng; ổn định quy mô đào tạo gắn với tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.

Những thành tựu phát triển

Năm học đầu tiên 1998 -1999, Nhà trường tuyển sinh đào tạo khóa đầu tiên với 3 ngành bậc đại học là Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Trồng trọt với tổng số 253 sinh viên;  17 ngành bậc cao đẳng (khối Sư phạm 12 ngành, Kinh tế 2 ngành, Nông Lâm nghiệp 2 ngành, Công nghệ 1 ngành). Số lượng sinh viên các bậc đào tạo là 3.726. Năm 2004, Khoa Y của Trường tách ra để tái thành lập trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa. Năm 2007, cơ sở 2 tại phường Trường Thi chuyển về phường Đông Vệ, sau này đây trở thành cơ sở chính của Nhà trường. 

Trường Đại học Hồng Đức: Ngôi trường mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông - Ảnh 2.

Lễ trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo

Năm 2007, Trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho đào tạo bậc Sau đại học và  ngay trong năm đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học cây trồng. Năm 2014, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sĩ 02 chuyên ngành: Khoa học cây trồng và Văn học Việt Nam. Bằng việc hoàn thiện các bậc đào tạo, trường Đại học Hồng Đức đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hoạt động đào tạo và phát triển của Nhà trường. Tổ chức, bộ máy của Nhà trường hiện nay gồm 33 đơn vị trực thuộc, trong đó có: 12 khoa đào tạo; 11 phòng, 3 ban; 6 trung tâm và Trạm Y tế. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường hiện có gần 800 người. Trong số 540 giảng viên của Trường có 91,5% người có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 16 PGS, 118 Tiến sĩ (tăng gấp hơn 10 lần so với những ngày đầu thành lập).

Đặc biệt, trong 5 năm qua, nhà trường đã mở mới được 2 chuyên ngành tiến sĩ, 9 chuyên ngành thạc sĩ, 7 ngành đào tạo ĐH, 4 ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao, 2 ngành ĐH văn bằng hai; tổ chức triển khai đào tạo 4 ngành chất lượng cao, 5 nhóm ngành đào tạo trọng điểm, như: sư phạm, công nghệ thông tin, nông - lâm - ngư nghiệp, kinh tế - quản trị kinh doanh, công trình xây dựng. Cùng với đó, công tác tuyển sinh không ngừng được đổi mới, đa dạng hóa phương thức, ổn định quy mô đào tạo khoảng 10.000 người học/năm ở tất cả các trình độ, bậc đào tạo để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. 

Trường Đại học Hồng Đức: Ngôi trường mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông - Ảnh 3.

Lễ trao Bằng tốt nghiệp

Ngoài ra, nhà trường thường xuyên chỉ đạo rà soát, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo, bảo đảm tính liên thông, khoa học, hiện đại, sát với thực tiễn. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo hướng phát huy tính sáng tạo và năng lực của người học, nhờ đó, chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao, tỷ lệ sinh viên (SV) đạt học lực từ khá trở lên tăng hằng năm đạt từ 37% (năm học 2014-2015) lên 53,32% (năm học 2018-2019); tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm và làm đúng ngành đào tạo sau 1 năm tốt nghiệp tăng nhanh, đạt trên 80%. SV tốt nghiệp ra trường bảo đảm yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng thích ứng với thực tiễn xã hội. 

Theo thống kê, trong 5 năm qua, nhà trường đã đào tạo được 14.648 người học tốt nghiệp (1.186 thạc sĩ, 11.328 ĐH, 1.397 cao đẳng và 557 trung cấp), góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Xây dựng trở thành trung tâm đào tạo nguồn lực và khoa học công nghệ uy tín trong cả nước

Cùng với công tác đào tạo, hoạt động NCKH cũng được đảng bộ nhà trường đẩy mạnh, đổi mới theo hướng chặt chẽ, nền nếp, thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên (CBGV), SV tham gia. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, nhà trường thực hiện 310 đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN). Đặc biệt, chất lượng các đề tài ngày càng được nâng cao. 

Trường Đại học Hồng Đức: Ngôi trường mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông - Ảnh 4.

Một số đề tài, dự án có phạm vi, quy mô lớn, nội dung liên ngành, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, như: Xây dựng các mô hình phục vụ chương trình phát triển nông thôn miền núi; ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn quỹ gen; công nghệ nhà thông minh; đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Một số sản phẩm nghiên cứu của nhà trường đã được thương mại hóa để thúc đẩy sản xuất phát triển, như: Giống lúa HD 9; bơm thủy năng HDBT; hệ thống điều khiển nhà trạm viễn thông thông minh... 

Hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục được duy trì và có bước phát triển. Hiện nay, nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ với trên 40 trường ĐH, cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới. Trong đó có nhiều chương trình mang lại hiệu quả tích cực như, chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh với Trường ĐH Soongsil (Hàn Quốc), chương trình phối hợp đào tạo và NCKH với Trường ĐH Zielona Gora (Ba Lan)...

TS Hoàng Nam – Q. Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cho biết: "Giai đoạn nào cũng vậy, xây dựng đội ngũ CBGV giỏi, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn cao luôn là khâu then chốt quyết định chất lượng đào tạo, vì vậy, nhiều năm qua, Đảng bộ Trường ĐH Hồng Đức đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ CBGV đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Đến nay, nhà trường đã có 20 phó giáo sư, 152 tiến sĩ, đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của trường trong hệ thống các trường ĐH trong nước".

"Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, đảng ủy nhà trường cũng đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng. Đồng thời, quan tâm đến việc bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ và SV. Trong 5 năm qua đã kết nạp được 320 đảng viên mới, trong đó 211 đảng viên là SV" – Q.Hiệu trưởng Hoàng Nam cho biết thêm.

Trong những năm tới, với những thời cơ, thách thức mới trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, Trường ĐH Hồng Đức xác định, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về cơ cấu và chất lượng; nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học và đáp ứng nhu cầu xã hội; đẩy mạnh hoạt động KH&CN gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước; không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH, xây dựng nhà trường trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ ngang tầm với với các trường ĐH có uy tín trong nước, có vị trí xứng đáng trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh