Tăng cường năng lực giáo dục đại học, thúc đẩy đầu ra cho sinh viên
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:31 - 24/06/2020
Chính thức ra mắt Cổng thông tin việc làm sinh viên
Sau ba năm triển khai kể từ năm 2017, dự án đã hoàn thiện bộ đánh giá khảo sát thực trạng sinh viên tốt nghiệp và ra mắt Cổng thông tin việc làm sinh viên tại địa chỉ http://huongnghiepvieclam.vn/ với đầy đủ các thông tin hữu ích, dễ dàng ứng dụng, kết nối.
Cổng thông tin có giao diện tiếng Anh và tiếng Việt, có thể xem trên điện thoại và máy tính. Tại đây, nhà tuyển dụng đăng vị trí việc làm, sinh viên, cựu sinh viên tìm kiếm công việc, trang bị thêm kỹ năng xin việc, kỹ năng mềm thông qua các video, tra cứu thông tin các chuyên gia kỹ năng, tâm lý,… để được hỗ trợ. Đồng thời, Cổng thông tin sẽ cung cấp miễn phí các công cụ, phương thức khảo sát hiệu quả mà dự án đã sử dụng để các trường ĐH có thể áp dụng.
Kết quả này có được là nhờ sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các chuyên gia đến từ châu Âu (ĐH Uppsala (Thụy Điển), Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển, ĐH Gronningen (Hà Lan), ĐH Valencia (Tây Ban Nha) và các đại học Việt Nam (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Công nghệ TP HCM).
Bà Ann Mawe, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá cao tinh thần hợp tác giữa các bên. "Dự án này không thể thành công nếu không có sự đóng góp của các đại học của Việt Nam", bà Ann Mawe cho biết.
Chúc mừng thành công của EVENT, bà Đại sứ nhấn mạnh, việc hoàn thành dự án là bước quan trọng, thúc đẩy hợp tác trao đổi trong GD&ĐT cũng như vấn đề việc làm giữa Thụy Điển và các quốc gia hợp tác.
90% sinh viên tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp
Báo cáo kết quả phối hợp với ĐH Valencia khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được GS.TS. Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý Châu Á - Thái Bình Dương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, khảo sát sử dụng phương pháp chuẩn mực của châu Âu, tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên từ danh sách sinh viên tốt nghiệp năm 2016 của các trường ĐH Việt Nam, thuộc 20 chuyên ngành cụ thể. Sau đó, tích cực liên hệ khảo sát online, kết hợp gọi điện thoại, diễn ra liên tục nhiều tháng.
Kết quả cho thấy, 90% sinh viên tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, theo đó, khó khăn không phải là tìm được việc làm mà làm tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn và kỳ vọng của sinh viên. Ngoài ra, đa số việc làm là ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài.
Từ đây, GS Thắng đề xuất cần định hướng nghề nghiệp cho sinh viên từ sớm, tập trung tư vấn về yêu cầu từng công việc, nghề nghiệp; đồng thời, chú trọng phản hồi về chương trình đào tạo và dịch vụ tư vấn việc làm hơn là "có việc làm hay chưa". Đây mới là cơ sở để ĐH tiếp tục cải tiến, để hoạt động đào tạo và hướng nghiệp, hỗ trợ sinh viên thực chất hơn.
GS Thắng đề nghị, Bộ GD&ĐT cân nhắc sử dụng các báo cáo khảo sát độc lập về việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho kiểm định và chỉ tiêu tuyển sinh. Đề xuất này cũng được các trường ĐH ủng hộ vì kết quả khách quan.