Trước 30/5, chốt thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:37 - 14/05/2020
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố căn cứ vào trần học phí năm học 2020 - 2021 báo cáo dự kiến thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục cụ thể cho các cấp học, các ngành đào tạo năm 2020 trước ngày 30/5/2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước phối hợp thực hiện tốt các nội dung liên quan đến chỉ đạo điều hành giá năm 2020 và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ giáo dục.
Theo đó, căn cứ vào trần học phí năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương gửi báo cáo dự kiến thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục cụ thể cho các cấp học, các ngành đào tạo năm 2020 theo quy định về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/5/2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn riêng đối với việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019 - 2020 trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, các trường phải đảm bảo tuân thủ các quy định, từ đó tính toán, thông báo công khai minh bạch và thoả thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học.
Các cơ sở giáo dục công lập không thực hiện thu học phí nếu không triển khai học trực tuyến trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch; chỉ thực hiện thu học phí khi tổ chức học trực tuyến hoặc bố trí học bù. Mức thu học phí thực hiện theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ nếu không tổ chức học trực tuyến trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh. Nếu đã thu, sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh học sinh.
Nếu tổ chức học trực tuyến, các cơ sở xác định mức thu hợp lý phải căn cứ vào tình hình thực tế và nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, mức thu không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã cam kết, công khai từ đầu năm học; đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu; chỉ đạo quán triệt Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.