THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:15

Bộ GD&ĐT đề xuất đưa quy định đưa - đón học sinh bằng ô tô vào Luật Giao thông đường bộ

Việc vận chuyển học sinh cần được xem xét là một loại hình vận tải đặc biệt; tổ chức, cá nhân tham gia phải được tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề. Dịch vụ chở học sinh bằng xe máy cũng cần được tăng cường quản lý.

Dịch vụ đưa đón trẻ em mầm non và học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông đi học bằng xe ô tô phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Khảo sát tại một số TP lớn, số chuyến đi sử dụng dịch vụ xe đưa đón có thể lên tới 10% tổng số học sinh và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Bộ GD&ĐT đề xuất đưa quy định đưa - đón học sinh bằng ô tô vào Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Thực hiện đúng quy trình đưa đón học sinh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng không đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ vận chuyển tại một số địa phương, cụ thể như: Sử dụng xe không đảm bảo chất lượng; lái xe chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, chưa thực hiện đúng quy trình đưa đón học sinhhọc sinh bị văng ra khỏi xe, thậm chí bỏ quên học sinh nhiều giờ trên xe ô tô dẫn đến tử vong.

Để khắc phục những bất cập trong việc vận chuyển đưa đón học sinh cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón, Bộ GD&ĐT đề xuất đưa một số quy định về hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô, xe buýt trường học; và dịch vụ đưa đón học sinh nói chung vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008.

Cụ thể: Vận chuyển học sinh cần được xem xét là một loại hình vận tải đặc biệt, kèm theo các quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan (đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe, người quản lý học sinh...). Các tổ chức, cá nhân tham gia phục vụ dịch vụ này phải có qui định trách nhiệm cụ thể và phải được tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề...

Bộ GD&ĐT đề xuất đưa quy định đưa - đón học sinh bằng ô tô vào Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Các cơ quan quản lý cần rà soát, ưu tiên bố trí điểm dừng đỗ phù hợp để đón - trả học sinh để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Cần ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông phục vụ xe buýt trường học bảo đảm đồng bộ tại các vị trí đỗ đón trả học sinh, đường đi bộ, vỉa hè, biển báo, vạch kẻ đường, thềm dốc giữa vỉa hè và lòng đường, kèm theo các quy định thường xuyên giám sát duy tu bảo trì, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố.

Đồng thời ban hành quy tắc giao thông liên quan tới xe buýt trường học: Tốc độ xe buýt chở học sinh, quy tắc nhường đường với xe buýt trường học và học sinh qua đường, các nguyên tắc khi vượt xe.

Bộ GD&ĐT cũng đề xuất nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn riêng đối với xe buýt học đường để tham gia đưa - đón học sinh. Do trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông nên xe buýt trường học cần được coi là loại xe đặc thù, được trang bị phù hợp, đảm bảo an toàn mức cao nhất cho hành khách là trẻ em để không thể xảy ra chuyện sót người, văng ra khỏi xe..., bảo đảm thuận tiện an toàn cho học sinh khi sử dụng.

Đồng thời đề nghị những nội dung đề xuất trên cần được thiết kế theo hướng trẻ em càng nhỏ thì yêu cầu càng cao. Vận tải nội bộ nếu liên quan tới vận chuyển học sinh đều phải đáp ứng những quy định pháp luật về vận chuyển học sinh. Và dịch vụ chở học sinh bằng xe máy cũng cần được tăng cường quản lý với cách tiếp cận tương tự.

CHU THÚY

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh