Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An: Chăm sóc đối tượng trong môi trường xanh, an toàn
- Người có công
- 15:32 - 22/09/2021
Tiền thân là Trại thương binh 4 được thành lập từ năm 1974 tại xóm Phong Lạc, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An được thành lập năm 2004 theo Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, điều trị, nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng và điều dưỡng luân phiên người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 2017, song song với nhiệm vụ nuôi dưỡng thương binh nặng, Trung tâm được UBND tỉnh Nghệ An bổ sung thêm nhiệm vụ tổ chức điều dưỡng luân phiên cho NCC trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã thực hiện tốt gần 800 lượt điều dưỡng, được các đoàn NCC ghi nhận. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 69 thương binh, bệnh binh nặng (64 thương, bệnh binh và 5 thân nhân Liệt sỹ). Trong số 64 thương, bệnh binh có 35 đối tượng hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiểm chất độc da cam/dioxin; 04 đối tượng hưởng chế độ tù đày và 04 đối tượng hưởng chế độ theo quyết định 142/QĐ – CP.
Về tình trạng thương tật, số thương, bệnh binh liệt, cụt chi dưới phải dùng xe lắc: 33 người (trong đó liệt cột sống, liệt 1/2 người: 23); Mù 02 mắt: 09 người; Số còn lại có vết thương tổng hợp. Thương, bệnh binh thuộc đơn vị quản lý gồm 3 thế hệ: Chống Pháp, chống Mỹ, Bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ Quốc tế; người nhiều tuổi nhất là 87 tuổi, người ít tuổi nhất là 52 tuổi. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tế, những thuận lợi, khó khăn của đơn vị, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, từ đó tham mưu cho các cấp đề ra các chủ trương, chính sách, các văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn để thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công, cụ thể là: Tham mưu và xây dựng kế hoạch tiếp nhận thân nhân liệt sỹ từ Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ.
Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An Nguyễn Thiếu Lâm cho biết: "Công tác thăm khám, điều trị luôn được quan tâm đúng mức, đặc biệt là điều trị cho các thương, bệnh binh liệt do điều kiện sinh hoạt không muốn nhập viện. Đội ngũ y, bác sỹ đã áp dụng nhiều phác đồ mới, nâng cao chất lượng điều trị tại bệnh xá, Các phác đồ điều trị được các y, bác sỹ cập nhật phù hợp, kết hợp điều trị Đông - Tây y, áp dụng các liệu pháp điều trị không dùng thuốc như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu.... Đối với các bệnh nhân có diễn biến phức tạp, đơn vị không đủ điều kiện điều trị thì được chuyển bệnh viện tuyến trên. Trung tâm tổ chức các kíp trực 24/24 giờ để đảm bảo giải quyết sơ, cấp cứu kịp thời. Trong năm có các thương bệnh binh ốm đau nặng, mọi trường hợp cơ bản đều đã được giải quyết tốt, hiện nay sức khỏe thương, bệnh binh đã ổn định. Việc mua và sử dụng thuốc điều trị được thực hiện đúng quy định, số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu chữa các bệnh lý thông thường cho thương, bệnh binh".
Tình hình sức khỏe thương bệnh binh ngày càng giảm sút, thương bệnh tật thường xuyên tái phát nên sức ép về công tác chăm sóc, phục vụ ngày càng nặng nề. Do đó, việc bổ sung các loại thuốc điều trị được chú trọng, chất lượng công tác điều dưỡng đảm bảo tốt, ổn định sức khỏe nên thương bệnh binh ngày càng tin tưởng hơn vào đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn tại đơn vị. Tổ chức bếp ăn tập thể phục vụ nhu cầu dinh dưỡng, tạo thuận lợi cho một số thương, bệnh binh không thể tự phục vụ, cán bộ, viên chức trực đồng thời làm tốt việc hỗ trợ nấu ăn tại phòng cho các thương, bệnh binh liệt cơ vòng, phục vụ ăn uống cho các đoàn người có công về tham gia điều dưỡng. Thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với những thương bệnh binh có bệnh lý đa dạng không thể ăn tập trung, đơn vị sử dụng một phần tiền điều trị mua các loại lương thực, thực phẩm và sữa Ensure có hàm lượng dinh dưỡng cao để cấp phát nhằm nâng cao và bồi bổ sức khỏe. Số tiền chi cho điều dưỡng trong năm là gần 301 triệu đồng. Công tác chăm sóc, phục vụ được quan tâm thực hiện tốt. Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã bố trí hàng trăm lượt điều dưỡng viên đi chăm sóc thương, bệnh binh tại các tuyến viện.
Lãnh đạo Trung tâm luôn chú trọng công tư vấn, tuyên truyền phòng bệnh. Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh nên vệ sinh môi trường được chú trọng . Công tác vệ sinh phòng ở, vệ sinh cá nhân cho thương, bệnh binh bất động, thực hiện chế độ hộ lý theo tình trạng thương, bệnh tật được quan tâm. Các khuôn viên cây xanh cơ bản hình thành, bờ bụi được phát quang để đảm bảo môi trường trong lành. Thực hiện đầy đủ công tác phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng để đề phòng dịch bệnh. Khuyến khích cán bộ, viên chức và thương, bệnh binh rèn luyện sức khỏe thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà làm việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm, khu điều dưỡng người có công trung tâm luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong khuôn viên. Từng khu sinh hoạt, gồm: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ... đều được bố trí khoa học, duy trì sạch sẽ và ngăn nắp.
Định kỳ hàng tháng, Trung tâm triển khai phun khử trùng, phòng bệnh sốt xuất huyế nhằm hạn chế tối đa các bệnh lý về da liễu, đường hô hấp; thường xuyên vệ sinh phòng ở, khuôn viên; chú trọng chăm sóc hoa, cây xanh. từ khuôn viên cho tới quầy tiếp đón các đoàn người có công đến điều dưỡng, ngoài cây cảnh, chậu hoa được đưa vào không gian trung tâm, các đối tượng người có công còn được đón tiếp chu đáo với hệ thống hướng dẫn thông tin đầy đủ, cây nước uống miễn phí, nhà vệ sinh khô ráo sạch sẽ.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID 19 đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn phòng chống dịch của cấp trên, thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp phòng dịch đạt kết quả cao nhất, 100% cán bộ, viên chức cài đặt ứng dụng BLUZONE, sổ tay y tế điện tử trên điện thoại di động.
"Trong những năm qua, hàng trăm thương, bệnh binh đã được đơn vị điều dưỡng ổn định sức khỏe được về với gia đình, về với quê hương nhưng cũng có nhiều đồng chí do vết thương quá nặng không thể phục hồi, đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Nghi Lộc anh hùng, nơi quê hương thứ hai của các anh, các chị. Đến thời điểm hiện tại Trung tâm chỉ còn 64 thương bệnh binh nặng của 02 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh do hoàn cảnh thương tật, hoàn cảnh gia đình sẽ gắn bó phần đời còn lại với đơn vị nuôi dưỡng thương binh này. Trước đây 4- 6 thương binh chung một phòng, nhưng nay mỗi thương binh ở trong một căn phòng hơn 30m2, trang thiết bị trong phòng đã có máy điều hòa, bàn ghế, tủ, giường... Nơi hội họp, sinh hoạt chung rộng rãi, thoáng mát, có phòng đọc sách với hàng trăm đầu sách, báo, có ti vi màn hình lớn với hàng trăm kênh truyền hình cung cấp những thông tin thời sự, thông tin về chính trị, xã hội, giải trí, thông tin về chăm sóc sức khỏe...Trang thiết bị y tế được bổ sung hiện đại, đơn vị đã có xe cứu thương, các phương tiện sơ cấp cứu... Trung tâm luôn thực hiện với phương châm: "Chăm sóc đối tượng trong môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn - trong lành" - Giám đốc Nguyễn Thiếu Lâm nhấn mạnh.