Trong niềm vui chiến thắng
- Người có công
- 18:18 - 29/04/2023
Thời gian lao mà anh dũng
Theo con đường mới xanh mát, tôi tìm về thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế (Bắc Giang), nơi có thành Phồn Xương gắn với sự nghiệp của anh hùng Hoàng Hoa Thám. Nhà CCB Dương Quang Lựa ở phố Đề Nắm nhỏ xinh, còn giữ được những kỷ vật của một thời quân ngũ. Ông Lựa cũng tự hào là người lái chiếc xe tải cùng tiến vào Dinh Độc Lập.
CCB Dương Quang Lựa kể, năm 1970, khi đó mới 17 tuổi, ông nhập ngũ và được chọn đi học lái xe, trở thành chiến sĩ lái xe khu vực đường Trường Sơn và nước bạn Lào. Cuối tháng 3/1975, ông Lựa cùng đồng đội thuộc Sư đoàn ô tô vận tải 571 được lệnh rút về tập kết ở Quảng Trị. Đầu tháng 4/1975, chiến trường bắt đầu ác liệt. Đơn vị ngày đêm chở vũ khí, lương thực thần tốc theo lực lượng bộ binh đánh chiếm căn cứ địch dọc các tỉnh miền Trung. Ông Lựa nhớ lại: “Chiều 29/4, tôi được đồng chí Thêm, thủ trưởng đơn vị gọi lên giao nhiệm vụ, đại ý đơn vị tăng thiết giáp yêu cầu một xe và một lái đi chi viện, rồi cử tôi tham gia. Đến đơn vị mới thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2), tôi được giao chở 40 chiến sĩ trinh sát đặc công cùng phân đội xe tăng 5 chiếc làm nhiệm vụ thọc sâu đánh thẳng vào Dinh Độc Lập mở đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn. 19 giờ cùng ngày, chúng tôi xuất phát từ căn cứ Nước Trong theo hướng chính vào Sài Gòn. Xe không được bật đèn mà đi theo ánh đèn pin dẫn của xe tăng. Dọc đường, chúng tôi phải liên tục chiến đấu với địch. Có lúc địch đông quá, cả đoàn xe phải dàn đội hình chiến đấu”.
Mờ sáng 30/4, ông Lựa cùng đồng đội đến Trường sĩ quan Thiết giáp. Ở đây, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Cuối cùng địch phải rút chạy. Cứ như vậy mũi tiến quân của ta tiến thẳng vào đường phố Sài Gòn. Đội hình phải dừng lại bởi đại bác địch nổ dồn trước mặt thành hàng rào lửa chặn bước tiến của quân ta. “Đúng 11 giờ 30 phút, mũi tiến quân của chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn: Dinh Độc Lập. Sau khi chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, cả mũi tiến công 6 xe của chúng tôi lao vào sân. Tôi thấy một đồng chí từ xe tăng tay cầm lá cờ giải phóng chạy lên… Hơn 10 phút sau, xe tăng từ các hướng và các đơn vị lần lượt tới ngoài hàng rào bao vây Dinh Độc Lập. Chúng tôi đứng quây quần dưới sân. Những gương mặt sạm nắng, quần áo người nào cũng dính đầy máu, đất, nhưng tất cả đều bừng lên niềm vui chiến thắng”, ông Lựa kể.
Những ngày tháng 4 lịch sử, CCB Nguyễn Đức Hoạt, ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông (Hà Nội) thường đi thăm đồng đội cũ, ôn lại kỷ niệm xưa. Năm 1967, khi vừa tròn 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên Nguyễn Đức Hoạt lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện được biên chế vào Tiểu đoàn Thông tin 18 và được chuyển về Trung đoàn 52, Sư đoàn 320. Tháng 4/1970, ông được đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân. Năm 1971 học xong, ông về đơn vị (đi B) để chiến đấu. Ông Hoạt kể: “Chúng tôi nhận được tin giải phóng Sài Gòn lúc 1 giờ chiều 30/4. Đơn vị được lệnh chuẩn bị xe và hàng, đồ dùng tiến vào Sài Gòn (từ Củ Chi về Sài Gòn lúc đó khoảng 28km). 5 giờ chiều ngày 30/4, đơn vị tôi xuất phát từ Củ Chi, đi đến xã Tân Phú Trung xe bị thủng két nước. Anh em phải vào nhà dân xin xà phòng để trát vào lỗ thủng của két nước. Dân phấn khởi và quý bộ đội lắm, họ mang nhiều đồ mời bộ đội. Sáng ngày 1/5, đơn vị vào đến Sài Gòn, toàn đơn vị tập kết ở Trường Trung học Lê Quý Đôn (gần Dinh Độc Lập). Không khí lúc đó rất náo nhiệt, người dân tràn xuống đường, các đơn vị bộ đội của ta từ các hướng cũng đã đổ về. Đơn vị tôi ở một tuần để làm nhiệm vụ bảo vệ. Sau đó được lệnh rút quân về Củ Chi, ở đó hơn 1 năm thì chuyển ra Nha Trang”.
Trong chiến dịch này, lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội Việt Nam được “cơ giới hóa”. Nghĩa là chấm dứt hành quân bộ, gùi cõng hành lý, thay vào đó, các đoàn quân, khí tài được chở bằng xe cơ giới. Các đơn vị vận tải ô tô, chở các quân đoàn chủ lực, trở thành bộ binh cơ giới hóa. Do đó tốc độ tấn công tăng lên, tạo nên khí thế mạnh mẽ tiến vào Sài Gòn.
Chung niềm tự hào, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, một người trong đội hình 5 cánh quân tiến về Sài Gòn nhớ lại: “Lúc đó ta vào tiếp quản Sài Gòn - Gia Định thì chưa nắm được tình hình buộc phải tận dụng một số cán bộ cũ của địch để nắm tình hình. Thời ngụy, ở Sài Gòn, chúng thành lập 12 liên gia (12 gia đình thành 1 liên gia) để quản lý dân. Nhiệm vụ của ta là vận động nhân dân phá 12 liên gia này và củng cố xây dựng chính quyền. Lúc đó xây dựng chính quyền khóm, phường chứ không phải theo khu phố như bây giờ”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, sau giải phóng, vấn đề an ninh trật tự ở đây rất phức tạp, nạn cướp bóc của các băng đảng, sự nhũng nhiễu của tàn dư diễn ra thường xuyên. Điều đó đặt ra yêu cầu nhiệm vụ quân quản rất nghiêm khắc để tạo hình ảnh tốt đẹp về bộ đội giải phóng.
Hiểu để sống xứng đáng
Trở về địa phương, CCC Nguyễn Đức Hoạt vẫn phát huy tinh thần người lính bộ đội Cụ Hồ, phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội. Ông chia sẻ, để có hòa bình như hôm nay, quân và dân ta đã phải hy sinh biết bao xương máu, nên đời sau phải hiểu và sống sao cho xứng đáng, biết tri ân các bậc tiền nhân. “Tôi vẫn tự hào kể cho con cháu nghe về một thời hào hùng. Đó là tinh thần, là ký ức, là những tháng năm quật cường anh dũng”, ông Hoạt nhấn mạnh.
Là người có mặt ở Sài Gòn trong ngày chiến thắng, họa sĩ Đức Dụ đã vẽ ngay bức “Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” bằng màu nước khi ngồi trên xe tải của đoàn xe hậu cần. Bức tranh mô tả bộ đội và nhân dân ta với nét mặt rạng rỡ, hạnh phúc, tay cầm lá cờ của quân giải phóng ăn mừng trước cửa Dinh Độc Lập. “Trong ngày giải phóng, tôi cùng đoàn xe hậu cần, gồm 10 chiếc chở đầy thuốc men, lương thực, hễ gặp quân giải phóng thì tiếp tế. May mắn là trưa 30/4/1975 tôi đã được chứng kiến thời khắc lịch sử ở Dinh Độc Lập và tái hiện những gì mắt nhìn thấy, tai nghe được trong bức tranh vô giá của mình”, họa sĩ Đức Dụ xúc động cho biết.
Nhắc đến họa sĩ Nguyễn Đức Dụ là người ta nhắc đến 400 bức ký họa về Trường Sơn mà không phải ai cũng có. Đức Dụ tự tin nói, với số lượng nhiều như vậy, đảm bảo không họa sĩ nào có được. Vì gần 10 năm Đức Dụ trực tiếp vẽ trong chiến trường, nơi bom đạn ác liệt. Ông họa sĩ cầm từng bức ký họa lên giới thiệu: “Nhắc đến Trường Sơn là người ta hình dung ra máu lửa, chết chóc, bom đạn. Tôi và những đồng đội chỉ cần nhìn lại những bức tranh này là hình dung ra nó được vẽ ở đâu, về vùng đất nào và quang cảnh khi đó của nó. Thực sự, đây là kho tư liệu quý mà tôi may mắn có được”.
Những năm qua, vào những ngày lễ, kỷ niệm, họa sĩ Đức Dụ thường tổ chức triển lãm, vừa để tri ân đồng đội, vừa “kể” cho người xem hôm nay về những ngày tháng chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ông cũng như nhiều người lính khác trở về từ chiến trường, luôn tự nhủ mình phải sống thêm cả phần đồng đội đã hy sinh, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cuộc sống đổi thay từng ngày, rất nhiều CCB, thương binh vẫn nhắc nhớ những ngày tháng 4 lịch sử. Nhiều người đã trở thành những tấm gương anh hùng trong thời đại mới, nhiều người vẫn gắng gỏi quy tập mộ liệt sĩ, tri ân đồng đội và những người đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc.