Trồng cây dược liệu: Giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo
- Dược liệu
- 01:09 - 11/12/2017
Lào Cai: Chuyển từ cây lương thực năng suất thấp sang trồng dược liệu
Gia đình chị Giàng Xuấn Phấn dân tộc Dao là một trong những hộ nghèo ở xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. 2 năm trước, với 2 ha trồng bắp, thu nhập của cả gia đình chị chỉ được gần 3 triệu/tháng. Khi được chính quyền vận động đưa 2ha này vào vùng trồng dược liệu, gia đình chị đã đồng ý làm theo. Với 2 ha đương quy, gia đình chị đã có nguồn thu 50 triệu/năm.
Cách nhà chị Phấn không xa, gia đình anh Ma Seo Vần cũng đã bắt đầu thoát nghèo từ sau khi trồng cây cát cánh trên 7000m2 đất. Với sự hỗ trợ của chính quyền từ hướng dẫn cách trồng, hỗ trợ giống đến nay anh đã có thu nhập đáng kể.
Lùng Phình là một trong 5 xã trên địa bàn huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà quản lý). 4 loại cây dược liệu chính là atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh đã được nghiên cứu tính phù hợp đất đai, khí hậu từ năm 2010, sau đó được đưa vào trồng trên diện rộng, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho 80% đồng bào dân tộc nơi đây.
Mô hình trồng cây atiso đã giúp người dân Lào Cai xóa đói giảm nghèo
Ông Tạ Công Huy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết: Đến nay, huyện Bắc Hà có gần 100 hộ tham gia trồng cây dược liệu. Theo đề án phát triển cây dược liệu của tỉnh Lào Cai đến năm 2020, huyện Bắc Hà có trên 84ha là cây dược liệu.
Những năm gần đây, dược liệu được coi là cây trồng chủ đạo, thúc đẩy tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh Lào Cai. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân ở vùng cao đã chuyển từ cây lương thực năng suất thấp sang trồng dược liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo. Không chỉ huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai còn phát triển dược liệu gắn với việc xóa đói giảm nghèo tại các huyện Sapa, Bát Xát, Si Ma Cai. Đặc biệt tại huyện Sapa trong 2 năm trở lại đây đã bắt đầu tái trồng lại atiso và đưa vào danh mục cây trồng dược liệu chủ đạo giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, thậm chí là làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Kon Tum: Cây sâm dây, sâm đương quy giúp xóa đói giảm nghèo
Ở địa bàn có trên 95% dân số là hộ nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã Mường Hoong, Ngọc Linh của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, đã áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây. Đến nay, mô hình trồng tập trung cây dược liệu như sâm dây, sâm đương quy đã và đang giúp nhiều hộ đồng bào nơi đây có thêm thu nhập.
Gia đình chị Y Bia, làng mới, xã Mường Hoong trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhưng 2 năm gần đây được sự hỗ trợ của chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị đã trồng được 2 sào sâm dây. Sau khi trừ chi phí, đợt thu hoạch vừa rồi chị thu lãi gần 10 triệu đồng.
Trước đây, trên diện tích đất rẫy đồi dốc, chị Y Bia trồng cà phê, bời lời, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2015 được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ giống sâm dây, chị mạnh dạn phá bỏ cây cà phê chuyển sang trồng cây dược liệu. Từ những đợt thu hoạch sâm dây đầu tiên, với mong muốn giúp đỡ chị em trong thôn làng, chị Y Bia chia sẻ giống sâm dây cho những chị em khác cùng phát triển kinh tế. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình chị chủ yếu từ sâm dây, được khoảng 30-40 triệu đồng/năm.
Chị Y Bia chia sẻ: “Trồng sâm dây khó nhất là vào mùa mưa, phải làm cỏ và đất thường xuyên tránh việc úng rễ, thối củ, còn lại thì cây rất dễ trồng và phù hợp với đất ở đây nên cây phát triển tốt. Từ năm ngoái tới nay, tôi đã nhân 30-40 kg giống cho các chị em trong làng cùng trồng.”
Cây sâm dây giúp người dân Kon Tum không còn cảnh đói ăn trước mùa giáp hạt
Từ giống sâm dây cũng như kỹ thuật trồng được chị Y Bia chia sẻ, rất nhiều chị em mạnh dạn trồng thử và cho hiệu quả cao. Y Ni là một trong những hộ gia đình đặc biệt khó khăn trong làng, đến xin giống sâm dây của chị Y Bia từ năm 2016, đến nay hai sào sâm dây của chị Y Ni phát triển tốt, cho sản phẩm chất lượng với thu hoạch trên 10 triệu đồng/vụ. Sau đó, chị phát triển thêm một sào sâm đương quy và đã cho thu hoạch 5 triệu đồng trong vụ đầu tiên. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chị Y Ni đã ổn định hơn, không còn cảnh đói ăn trước mùa giáp hạt.
Chị Y Long, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngọc Linh cho biết: “Từ khi chị em trong xã ý thức được việc trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi vận động chị em vào tổ chức Hội và thành lập các tổ liên kết để giúp nhau trồng sâm dây, sâm đương quy, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, nên diện tích mở rộng và trồng tập trung hơn”. Nhờ cách làm mới, có liên kết, mở rộng quy mô, diện tích nên đầu ra cho sản phẩm cũng ổn định khi thương lái lên tận nơi để tìm mua, hiệu quả thấy rõ.
Trước thành quả trên, cuối tháng 5/2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã phát triển hai mô hình tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây tại hai xã Ngọc Linh và Mường Hoong. Mô hình trồng cây dược liệu là mô hình mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Kon Tum, đã giúp chị em người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh xóa đói giảm nghèo và đang được nhân rộng trên địa bàn.
Nhu cầu sử dụng dược liệu rất lớn Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam cũng rất lớn. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 – 80.000 tấn dược liệu, trong đó có rất nhiều dược liệu có tiềm năng nuôi trồng trong nước. Theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Việc nuôi trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 – 5 lần so với trồng một số loại cây trồng nông nghiệp như lúa, ngô, sắn… Tuy nhiên, đến nay, việc nuôi trồng dược liệu trong nước chưa có quy hoạch và định hướng phát triển của từng địa phương, chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh, khó khăn trong quá trình hội nhập |