CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:19

Vùng Nam Tây Nguyên: Kho vàng dược liệu... không khóa

 

Khai thác tận diệt nấm Linh Chi

Suy kiệt từng ngày, từng giờ

Ở Đà Lạt, khoảng 9 giờ sáng, chỉ cần rảo qua vài con phố là có thể mua được dược liệu tự nhiên, như nấm linh chi, chuối rừng, dền cơm, sa nhân, thảo quả, đẳng sâm... Ông Cill Ha Bol, người dân tộc Cil, ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) vừa dựng chiếc xe máy chở mấy bao lớn chứa nấm linh chi hồng ở chợ “cây rừng” ngã tư Phan Chu Trinh (phường 9, Đà Lạt) đã có ba, bốn người vây quanh. 

Mấy người Kinh vây quanh Cill Ha Bol vừa đỡ bao nấm linh chi khỏi xe vừa hỏi dồn: “Nay chỉ có linh chi hồng thôi à?”, “Không có dương quy hay húc hắc... gì à?”... Cill Ha Bol trả lời trong hơi thở gấp: “Có! Có đủ hết! Húc hắc thì đầy! Nhưng còn ở trong Đạ Sar”.

Hỏi ra mới biết, hằng ngày, ngay tại khu chợ Phan Chu Trinh có đến 5 - 7 người dân tộc thiểu số ở Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chair (Lạc Dương) hoặc Tà Nung (Đà Lạt) mang “của rừng” ra bán. “Của rừng” gồm nhiều thứ: Các thứ củ, quả, rễ... là dược liệu tự nhiên lấy từ rừng (chủ yếu là khu rừng thuộc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà), các loại phong lan, dớn, lan gấm... 

Không có con số thống kê chính thức từ cơ quan chức năng, mỗi ngày có khoảng bao nhiêu dược liệu được khai thác mang đi bán, nhưng theo số liệu được công bố gần đây của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà thì mức độ suy giảm và mất tiểu sinh cảnh của vườn do việc khai thác lâm sản ngoài gỗ hiện lên đến 41 - 60%. Hiện có khá nhiều hộ dân tộc thiểu số của ba xã Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chair của huyện Lạc Dương và một số hộ dân tộc thiểu số của xã Tà Nung thuộc TP. Đà Lạt gần như trở thành dân chuyên khai thác dược liệu chuyên nghiệp cho các đầu nậu. 

Ông Hà Đời, một già làng rất có uy tín ở xã Đạ Sar từng là cán bộ của chính quyền và đoàn thể của xã than phiền: “Chính quyền và mặt trận cùng các đoàn thể trong xã, trong huyện nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con nhưng hiệu quả mang lại không cao. Bởi, việc thương lái vào tận đây để “đặt hàng” bà con, thậm chí họ còn ứng trước tiền cho bà con khiến cho không ít người “hoa mắt”. Mà, nghe nói, họ thu mua tại chỗ chỉ một, ra Đà Lạt bán lên tới mười, còn chở sang Trung Quốc thì... vô giá”.

Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Đạ Chair cho biết, 1kg hồng chi được bán ngay tại chân rừng chỉ khoảng 60.000 - 80.000 đồng, khi ra đến Đà Lạt, giá này tăng lên 220.000 - 250.000 đồng (nếu đóng sỉ mang ra biên giới phía bắc, giá còn khoảng 200.000 đồng/kg). Còn các thứ khác như sâm đất, nấm gỗ..., giá tại Đà Lạt khoảng 100.000 đồng/kg,   nhưng các đầu nậu thu mua của bà con ngay tại cửa rừng chỉ từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Ấy nhưng, nói như Cill Ha Bel: “Mỗi ngày một người vào rừng kiếm khoảng 5kg thì cũng được cả trăm ngàn đồng. Ở làng, biết làm gì ra chừng ấy tiền...”.

Vô tận - không vô tận

Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thọ Biên, Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng, người cả đời nghiên cứu cây thuốc Lâm Đồng cho biết: “Nếu chúng ta chỉ biết “ăn” vào thiên nhiên mà không biết tái tạo như nhiều năm qua thì nguồn dược liệu của Nam Tây Nguyên cho dù có là vô tận thì không sớm thì muộn cũng phải đến ngày cạn kiệt”. 

Còn thượng tọa Thích Huệ Đăng, nhà sư duy nhất ở Việt Nam được cấp bằng sáng chế độc quyền với công trình “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô”, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quan (hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt), lo ngại: “Nạn khai thác nguồn dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng như thế này thì chẳng mấy chốc chúng ta không còn gì. Và điều đó đã thôi thúc tôi cùng các đệ tử cộng sự di thực giống sâm Ngọc Linh về nghiên cứu và trồng tại vùng đất Nam Tây Nguyên và đã thành công...”.

Có lẽ những người tâm huyết và trăn trở với nguồn dược liệu Nam Tây Nguyên như dược sĩ Nguyễn Thọ Biên, nhà sư Thích Huệ Đăng... hiện không nhiều. Nguyên nhân khá đơn giản: Không ít người cho rằng với sự ưu đãi về tự nhiên, vùng đất Nam Tây Nguyên sở hữu được nguồn dược liệu hết sức phong phú, trong đó có không ít loài đặc hữu. Số liệu của Trung tâm Sâm và dược liệu TPHồ Chí Minh công bố cho thấy: Lâm Đồng có đến 2.170 loài dược liệu. Trong đó, 1.664 cây thuốc đã được đưa vào Danh lục Tài nguyên dược liệu tỉnh Lâm Đồng. 

Về cây thuốc đặc trưng, Lâm Đồng có đến 16 loài; trong đó có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu như thông đỏ, thiên niên kiện, sa nhân, trà mi, thông hai lá dẹt, liên ô rô, thổ phục linh...; cùng đó là 51 loài hiện có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Một ví dụ khác về nguồn dược liệu “vô tận” của Nam Tây Nguyên: Trong 400 loài thuộc họ nhân sâm hiện có trên thế giới thì Việt Nam chiếm 80 loài; trong 80 loài nhân sâm ở Việt Nam, Lâm Đồng chiếm đến 50 loài!

Nguồn dược liệu tự nhiên của Lâm Đồng “vô tận” là vậy nhưng sẽ không là... vô tận nếu nạn khai thác ở đây tiếp tục diễn ra một cách rất... tự nhiên như nhiều năm qua!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh