THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:21

Xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhìn từ giảm nghèo bền vững

Trợ lực cho xã bãi ngang thoát nghèo, đạt chuẩn nông thôn mới

Ông Hồ Tiện chăm sóc con bò cái sinh sản được Nhà nước hỗ trợ rất kỹ và nay nó chuẩn bị đẻ cho ông một con bê con.

Ông Hồ Tiện chăm sóc con bò cái sinh sản được Nhà nước hỗ trợ rất kỹ và nay nó chuẩn bị đẻ cho ông một con bê con.

Cải tạo vùng hoang hoá cho người nghèo trồng cỏ nuôi bò

Hơn 3 đời cư ngụ tại thôn Thanh Hương Lâm (xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), ông Hồ Tiện (73 tuổi) rút ra nhận định: quê hương ông là vùng đất “sơn bọc thuỷ”, với những đồi cát trắng bao quanh, mùa hè nắng nóng bỏng da thịt. Là vùng đất pha cát, cằn cỗi nên có rất ít loài cây trồng có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng quê bãi ngang này. Do đó, đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, vất vả. Để giúp người dân Thanh Hương Lâm nói riêng, xã Điền Hương nói chung vươn lên thoát cảnh nghèo đói, những năm qua, nhiều nguồn lực, cây, con giống đã được Nhà nước hỗ trợ, trong đó có gia đình ông Tiện (hộ cận nghèo). Theo đó, tháng 9/2022, gia đình ông Tiện được BCĐ giảm nghèo bền vững xã xét duyệt hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản cùng thức ăn để phát triển mô hình sinh kế.

Dẫn chúng tôi ra thăm con bò cái được nhà nước hỗ trợ nay đã có chửa và chuẩn bị sinh bê con, ông Tiện tự nhận mình là người khá “mát tay” trong chăn nuôi. “Khi mới nhận bò giống về, không biết nó ăn phải cái gì mà bị sình bụng, ai cũng nghĩ nó sẽ không sống được. Tôi làm liều đổ chai bia cho con bò uống, không ngờ sau khi xì hơi ra được thì nó khoẻ mạnh trở lại. Không những thế, sau những tháng ngày miệt mài chăm sóc, con bò giống của gia đình tôi giờ đã chuẩn bị đẻ con bê con đầu tiên. Thực sự gia đình rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ vốn và kết nối chỗ mua bò giống, nếu không, tôi chả biết lấy đâu số tiền lớn như thế để mua bò. Trong khi đó, vợ tôi thì đau ốm triền miên, nằm viện nhiều hơn ở nhà, con cái thì đã có gia đình riêng và cũng đang gặp nhiều khó khăn, công việc không ổn định”, ông Tiện vừa nói vừa vuốt ve con bò sinh sản mà ông cho là tài quý nhất hiện nay.

Ông Tiện đi kiếm thức ăn cho bò

Ông Tiện đi kiếm thức ăn cho bò

Nói về nguồn thức ăn cho bò, ông Tiện cho biết cũng như nhiều người trong làng, gia đình ông đã để ra 2 sào đất để trồng cỏ. Đây là một loài cỏ dại địa phương, mọc khoẻ và có sức phát triển nhanh trên đất pha cát, rất phù hợp để làm thức ăn cho trâu, bò. Ngoài ra, gia đình ông cũng tích trữ thêm rơm, làm thức ăn cho bò vào mùa mưa, bão. Điều đáng mừng nữa là dù đã lớn tuổi nhưng vợ chồng ông Tiện vẫn rất chăm chỉ, chịu khó làm vườn, trồng các loại rau màu, đồng thời mới đây đã mua thêm 200 con ba ba giống về nuôi thử nghiệm. “Còn sức còn làm, biết đâu trời thương cho mình có thêm thu nhập, chứ không thể phụ thuộc vào ai được”, ông Tiện bộc bạch.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - Trưởng thôn Thanh Hương Lâm cho biết, cả thôn có 246 hộ dân. Từ năm 2015 đến nay, thông qua các Chương trình MTQG và các nguồn lực khác, Nhà nước đã hỗ trợ cho thôn nhiều công trình, dự án, cây, con giống để bà con phát triển mô hình sinh kế, đặc biệt là bò giống sinh sản. Mới đây nhất, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thanh Hương Lâm đã được sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm cho người dân có địa điểm tổ chức các hoạt động cộng đồng. “Từ các dự án hỗ trợ của Nhà nước, số lượng hộ nghèo tại thôn Thanh Hương Lâm đã giảm mạnh từ 30 hộ năm 2015 còn 19 hộ cuối năm 2022, số hộ cận nghèo còn 19 hộ. Đa số là hộ nghèo già cả neo đơn, không còn khả năng lao động. Đến cuối năm 2023, Thanh Hương Lâm phấn đấu giảm 4 hộ nghèo, còn lại 15 hộ. Ngoài ra, nhiều con em trong thôn cũng đã đi làm việc ở ngoài tỉnh, ở nước ngoài theo hợp đồng, có tiền gửi về cho gia đình để giải quyết khó khăn”, ông Hùng cho biết.

Xã bãi ngang nay đã khác

Ông Thái Duy Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết, Điền Hương là 1 trong 7 xã vùng bãi ngang, ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025), toàn xã Điền Hương có 58 hộ nghèo/91 khẩu, chiếm tỉ lệ 6,06%; 73 hộ cận nghèo/168 khẩu, chiếm tỷ lệ 7,63%. Trong số 58 hộ nghèo năm 2023 có 50 hộ nghèo già cả neo đơn. Xã phấn đấu đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,91% (tương ứng với giảm 11 hộ); đến năm 2025 còn 36 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,90%. Theo ông Khánh, trong những năm qua, chính quyền xã Điền Hương đã rất quan tâm công tác giảm nghèo, thoát nghèo, thường xuyên chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Từ các nguồn lực, Điền Hương đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xoá nhà tạm, đa dạng mô hình sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài,…qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững.

Dự án “Trồng cỏ có hệ thống nước tưới” tại vùng Trầm Bàng do UBND xã Điền Hương khai hoang, phân cho người dân thực hiện

Dự án “Trồng cỏ có hệ thống nước tưới” tại vùng Trầm Bàng do UBND xã Điền Hương khai hoang, phân cho người dân thực hiện

Ông Khánh cho biết thêm, Điền Hương chú trọng lựa chọn các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của địa phương để hỗ trợ người dân, đặc biệt là mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt vỗ béo, bò giống chất lượng cao. Đến nay, toàn xã Điền Hương có tổng đàn bò 689 con. Trong đó, thông qua mô hình chăn nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Nhà nước đã hỗ trợ 115 con bò cái sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại xã Điên Hương. “Việc chăn nuôi bò đóng góp quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân. Một con bò mẹ sinh sản 1 con bê nếu tính bình quân một năm thu về được từ 10-15 triệu đồng”, ông Khánh khẳng định.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương, để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi cho người dân, UBND xã đã khai hoang hơn 2 ha đất hoang hóa ở vùng Trầm Bàng để thực hiện dự án “Trồng cỏ có hệ thống nước tưới”. Hiện nay, dự án có 19 hộ tham gia, trong đó ưu tiên những hộ tham gia chương trình giảm nghèo, qua đó  chủ động nguồn thức ăn cho bò, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò. Bên cạnh đó, các hộ cũng tự trồng cỏ trong vườn nhà, các thửa đất khó sản xuất để chủ động thức ăn chăn nuôi, với diện tích khoảng 4 ha. Ngoài ra, sau mỗi vụ thu hoạch,bà con còn chuẩn bị thức ăn khô cho bò vào mừa mưa rét bằng việc tích trữ rơm, rạ, tinh bột khoai, sắn,…

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thanh Hương Lâm khang trang, sạch đẹp sau khi được tu sửa từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thanh Hương Lâm khang trang, sạch đẹp sau khi được tu sửa từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Bên cạnh Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã Điền Hương cũng đẩy mạnh Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2012 đến nay, cùng với nguồn ngân sách của nhà nước, UBND xã, các ban ngành đoàn thể còn tuyên truyền vận động nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, với tổng kinh phí đã thực hiện hơn 97,625 tỷ đồng. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Lương - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Đảng và Nhà nước, công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương này đã được triển khai thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, thực chất, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó đạt được kết quả tích cực. Năm 2022 đã giảm 272 hộ nghèo (0,94%) vượt so với chỉ tiêu đề ra 72 hộ. Phong Điền phấn đấu đến cuối năm 2025, giảm còn 553 hộ nghèo, tỷ lệ 1,65%, đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết 11/ NQ/TU của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đề ra. Đặc biệt hiện nay, huyện Phong Điền đang dồn các nguồn lực cho 2 xã vùng bãi ngang, ven biển Điền Hương và Phong Chương cũng như xã Phong Sơn để các địa phương này hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Học sinh vùng bãi ngang Điền Hương có thêm nhiều khu vui chơi, rèn luyện sức khoẻ ngoài trời nhờ các nguồn lực mục tiêu

Học sinh vùng bãi ngang Điền Hương có thêm nhiều khu vui chơi, rèn luyện sức khoẻ ngoài trời nhờ các nguồn lực mục tiêu

Được biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế có 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, gồm: Phong Chương, Điền Hương (Phong Điền); Phú Gia, Phú Diên (Phú Vang); Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Giang Hải (Phú Lộc). Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang ưu tiên đầu tưcơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,…cho người dân ở khu vực này để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh