Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh giải ngân các nguồn lực, giúp A Lưới thoát huyện nghèo quốc gia cuối năm 2023
- Dược liệu
- 19:29 - 27/09/2023
- Thừa Thiên Huế kịp thăm hỏi, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới
- Cơ hội để lao động hoàn cảnh khó khăn Thừa Thiên Huế sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản
- Thừa Thiên Huế triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
- Thừa Thiên Huế phát động hội thi trực tuyến về bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Trẻ em nghèo Thừa Thiên Huế tham quan, phá cỗ Trung thu năm 2023 tại Đại nội Huế
A Lưới được biết đến là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, có đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Đây là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh và cũng là một trong 74 huyện nghèo nhất cả nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, toàn huyện A Lưới có 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2%; 2.078 hộcận nghèo, chiếm 14,70% (trong đó có 240 hộ nghèo, 192 hộ cận nghèo không có khả năng lao động; 315 có công cách mạng). Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đến cuối năm 2023, A Lưới phấn đấu giảm 1.078 hộ nghèo xuống còn 3.691 hộ, tỷ lệ còn 26,12%, thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia; đến năm 2025, giảm còn 1.784 hộ nghèo, tỷ lệ 12,01%.
Lãnh đạo huyện A Lưới khẳng định, toàn huyện xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Nhằm đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, A Lưới thường xuyên tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp và lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 Chương trình MTQG (giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi). Huyện luôn quán triệt quan điểm: “Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”. A Lưới cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia vào chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là hộ nghèo, cận nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo.
Về công tác giải ngân nguồn vốn 3 Chương trình MTQG, lãnh đạo UBND huyện A Lưới cho biết đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tập trung triển khai nhằm đạt kết quả cao nhất. Tính đến ngày 20/9, toàn huyện A Lưới đã giải ngân được hơn 121 tỷ đồng trên tổng số hơn 317 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 38% kế hoạch (bao gồm cả nguồn 2022 được phép kéo dài), trong đó: vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt 35%, với hơn 63 tỷ đồng trên tổng số hơn 178,6 tỷ đồng. Đối với vốn sự nghiệp, A Lưới đã giải ngân hơn 45,6 tỷ đồng trên tổng số hơn 175 tỷ đồng đạt, 56,05% vốn UBND tỉnh giao và đạt 57,99% vốn UBND huyện đã phân khai chi tiết(bao gồm cả vốn luỹ kế năm 2022); trong đó, vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, lũy kế giải ngân được hơn 36 tỷ đồng trên tổng số hơn 66 tỷ đồng, đạt 54,68% vốn UBND tỉnh giao.
Từ các nguồn vốn đã giải ngân, các địa phương trên địa bàn huyện A Lưới đã tổ chức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cần nghèo đa dạng mô hình sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng đầu tư phát triển hạ tậng kinh tế - xã hội; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo; nâng cao năng lực truyền thông giảm nghèo, năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình,…thuộc các dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Song song với đó, A Lưới cũng triển khai có hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; đồng thời kết hợp kêu gọi, vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác để giúp người dân xoá nhà tạm, phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo.
Riêng kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo A Lưới, tính từ năm 2022 đến nay, từ nguồn kinh phí của các Chương trình MTQG và các nguồn tài trợ, ủng hộ khác, A Lưới đã hỗ trợ nhà ở cho 2.351 hộ/3.959 hộ của cả giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó chương trình giảm nghèo bền vững là 1.357 hộ). Lãnh đạo huyện A Lưới quyết tâm đến khoảng tháng 11/2023 sẽ giải ngân hoàn thành 100% cho những hộ nói trên. Số hộ cần hỗ trợ còn lại 1.608 hộ, A Lưới phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 - 2025.
Sau buổi kiểm tra tra thực hiện CTMTQG và làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện A Lưới, các Sở ban ngành liên quan về đề án đưa huyện A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo vào sáng 27/9, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn để A Lưới hỗ trợ người dân. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến cuối năm 2023 giải ngân hoàn thành ít nhất 95%, riêng A Lưới phải giải ngân đạt 90%. Vốn sự nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu giải ngân đạt từ 65 - 70%; riêng A Lưới cần đạt khoảng 60 - 65%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu huyện A Lưới triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG, đồng thời vận dụng các nguồn lực khác để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế, giúp giải quyết căn cơ chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, như: việc làm, nhà ở, y tế, dinh dưỡng, giáo dục,…Từ đó kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của A Lưới xuống còn dưới 26%, thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia vào cuối năm 2023, góp phần vào mục tiêu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Trong sáng 27/9, UBND huyện A Lưới cũng đã tiếp nhận 3 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo A Lưới từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).