Cơ hội để lao động hoàn cảnh khó khăn Thừa Thiên Huế sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản
- Bài thuốc hay
- 15:54 - 26/09/2023
- Thừa Thiên Huế triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
- Nhiều giải cao tại Hội giảng nhà giáo GDNN tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023
- Thừa Thiên Huế tập huấn thu thập thông tin thị trường lao động năm 2023
- Thừa Thiên Huế đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần xoá đói giảm nghèo
Buổi ký kết có sự hiện diện của Ban lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, Tín Phát GROUP và đối tác của công ty này tại Nhật Bản là Nghiệp đoàn SAIKAIYO.
Việc ký kết nói trên nhằm góp phần hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển nguồn nhân lực, hướng tới lao động trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Theo Biên bản ghi nhớ được ký kết, hằng năm, Công ty Tín Phát sẽ hỗ trợ cho 20 - 30 lao động có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Thừa Thiên Huế, như: các em học viên mồ côi cha hoặc mẹ, cha hoặc mẹ bị bệnh hiểm nghèo và một số hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản với chi phí 0 đồng. Lao động chỉ tự chi trả các chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, xin Visa theo quy định, tiền ăn trong thời gian đào tạo tại Việt Nam.
Sau khi ký kết, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương và Tín Phát GROUP tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói chung và chương trình hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Thừa Thiên Huế sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản để lao động tiếp cận, đăng ký.
Ông Hoàng Gia Thịnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần hợp tác Đầu tư và Giáo dục Quốc tế Tín Phát cho biết, dự án đưa lao động có hoàn cảnh khó khăn được doanh nghiệp này phối hợp triển khai tại 2 địa phương là tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Đây là cơ hội tốt để người lao động có mong muốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, có ý chí vươn lên thoát nghèo có cơ hội đến làm việc tại một thị trường lao động tốt và có mức thu nhập cao.
Theo phương án hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, ngoài các khoản phải đóng như đã nêu trên, đối tượng tham gia sẽ được tài trợ toàn bộ chi phí đi làm việc tại Nhật Bản gồm: Phí dịch vụ, chi phí đào tạo tiếng Nhật, kỹ năng, ký túc xá, vé máy bay hai chiều và một số chi phí khác liên quan.
Thời gian làm việc tại Nhật Bản là từ 1 đến 3 năm, với nhiều ngành nghề phù hợp với từng học viên, như: chế biến thực phẩm, gia công cơ khí, kiểm tra linh kiện ô tô, in ấn và đóng sách; đóng gói công nghiệp… Mức thu nhập bình quân từ 24 - 32 triệu đồng/tháng tùy theo từng đơn hàng. Người lao động cũng sẽ được tham gia bảo hiểm, hưởng các phúc lợi theo đúng quy định của pháp luật Nhật Bản và quy định của doanh nghiệp nơi tiếp nhận.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tín Phát cam kết, người lao động khi tham gia chương trình và thi đậu đơn hàng sẽ được đối tác bên Nhật Bản bố trí làm việc trong môi trường làm việc bảo đảm an toàn, trong các công xưởng. Công ty cũng có chính sách chăm lo, phối hợp giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi đi làm việc ở Nhật Bản về nước.
Công ty Tín Phát mong muốn Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp, đồng hành và tạo các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tuyển dụng được những đối tượng lao động phù hợp, đúng khung chính sách, bảo đảm phát huy hiệu quả cao nhất của chương trình dự án.
Đại diện Nghiệp đoàn SAIKAIYO cho biết, chương trình tuyển chọn, đào tạo, đưa người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Thừa Thiên Huế sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, đây là một phần của Dự án phi lợi nhuận Jump về việc phái cử - tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản với “chi phí 0 đồng”.
Dự án nhằm hiện thực các Mục tiêu Phát triển Bền vững, kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình, thịnh vượng, với 17 mục tiêu chính. Đây cũng là những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đang thực hiện ở Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, địa phương sẽ đồng hành, hỗ troẹ và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tuyển dụng được lao động theo đúng khung chính sách để phái cử sang Nhật Bản thực tập kỹ năng, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nghèo, lao động thuộc diện khó khăn, con em mồ côi cha mẹ, con em có bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo,…
Theo ông Dần, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống người dân, hướng tới mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025; chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trong số rất nhiều giải pháp giúp giảm nghèo nhanh, bền vững, tỉnh Thừa Thiên Huế rất chú trọng đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Trong8 tháng đầu năm 2023, Thừa Thiên Huế đã đưa 1.563 đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó Nhật Bản là thị trường được nhiều người lao động lựa chọn (1.356 người, chiếm 86,7%).
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn Công ty Tín Phát, Nghiệp đoàn SAIKAIYO mở rộng đối tượng, tuyển dụng, đào tạo và đưa nhiều lao động địa phương này sang làm việc tại Nhật Bản hơn nữa. Qua đó, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi lễ, Công ty Tín Phát và Nghiệp đoàn SAIKAIYO cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc tiếp nhận, bố trí việc làm cho lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Thừa Thiên Huế tại Nhật Bản theo chương trình.