THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:36

Trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT cho gần 2.8 triệu người

Đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH từng bước được mở rộng

Theo báo cáo chuyên đề lĩnh vực Bảo trợ xã hội, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi quá trình biến đổi khí hậu và đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nên số người cần sự trợ giúp xã hội trên cả nước lớn, chiếm hơn 25% dân số cả nước.

Trong đó có khoảng trên 10 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 8,23% hộ nghèo, 5,41% hộ cận nghèo, khoảng 2,783 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm… Đồng thời thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa dẫn đến khoảng 1,8 lượt triệu hộ thiếu đói.

Năm 2017, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có diễn biến phức tạp, các đợt mưa bão, lũ lụt gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân ở khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung… Song Đảng, Nhà nước và Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020 đã nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”.

Mục tiêu bảo đảm 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, 82% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội; đến năm 2018 tăng khoảng 3% đối tượng hưởng trợ cấp xã hội so với năm 2017.

Nhìn chung, các chính sách an sinh xã hội ngày càng toàn diện hơn, bao trùm  các nhu cầu cơ bản của đối tượng về việc làm, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, chăm sóc người có công, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.

Đồng thời, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cũng từng bước được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

Về thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội, tổng hợp số liệu địa phương, đến nay cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.783.474 người, trong đó: 30.292 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1.524.192 người cao tuổi; 1.126.126 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp; 5.006 người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; 97.858 người đơn thân nuôi con thuộc hộ gia đình nghèo.

Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội tại 63 tỉnh

Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua cơ quan Bưu điện đã được 58 tỉnh, thành phố thực hiện (còn 05 tỉnh chưa thực hiện: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Nam Định, Quảng Bình); phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức chúc thọ, mừng thọ, tặng quà người cao tuổi theo quy định; đã có 18 tỉnh, thành phố triển khai được hơn 1.156 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút hơn 55 nghìn người cao tuổi tham gia hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Từng bước thực hiện các quy định về chính sách giảm giá vé, dịch vụ công cộng đối với người cao tuổi, người khuyết tật; thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông; tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; khuyến khích các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc; hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Cùng với đó, quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội tại 63 tỉnh, thành phố theo Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Tính đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội được hình thành, phát triển trên 63 tỉnh, thành phố với 415 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 195 cơ sở công lập và 220 cơ sở ngoài công lập; quản lý ca 15% đối tượng trợ giúp xã hội; đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội hiện có khoảng trên 250 nghìn người.

Trong đó có trên 50.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp (Phụ nữ, thanh niên, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, mặt trận tổ quốc, hội nông dân, liên đoàn lao động, cựu chiến binh); trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh