Cam kết đẩy mạnh sự hỗ trợ các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề của các tổ chức tôn giáo
- Dược liệu
- 01:01 - 25/02/2017
Hội nghị diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 24/2. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng 300 trăm đại biểu, 40 tổ chức tôn giáo, đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam....
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đến nay, có 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đã được giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT theo quy định. Trong đó có 37.348 trẻ em mồ côi, 88.594 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, 1,495 triệu người trên 80 tuổi không có lương hưu hay trợ cấp xã hội.... Kinh phí do ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng năm lên tới 15 000 tỷ đồng.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị
Các tổ chức tôn giáo trên cả nước cũng có nhiều đóng góp rất đáng ghi nhận trong hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề. Đảng và Nhà nước cũng kịp thời ban hành các văn bản, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở trợ giúp xã hội, dạy nghề của các tổ chức tôn giáo.
Quang cảnh chung Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, "Đây là lần đầu tiên Hội nghị về việc biểu dương, phát huy vai trò tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề diễn ra. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã vươn lên thoát nghèo, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, do đặc điểm là đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh, lại thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh và những tai nạn, rủi ro trong cuộc sống nên số đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội ở nước ta lớn, bao gồm: người nghèo, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành gia đình; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại, hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố và người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống"
Các vị đại biểu tham dự Hội nghị
"Các thành viên tổ chức thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tổ chức tôn giáo đã kế thừa và phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam, tổ chức nhiều mô hình, hình thức trợ giúp đối với những nhóm dân cư yếu thế, bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng". Bộ trưởng nói thêm.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQViệt Nam Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu
Hội nghị sẽ tập trung đánh giá lại kết quả triển khai chủ trương này trong thời gian qua, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, giới thiệu những điển hình của các tổ chức tôn giáo đã làm tốt nhiệm vụ chăm lo, chăm sóc người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chụp ảnh với các đại biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam và các đại biểu thuộc các tổ chức tôn giáo đến từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh... đã phát biểu tham luận với nhiều nội dung sâu sắc. Theo đó, hiện cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội, thuộc các tổ chức tôn giáo, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 2.600 nhân viên, bình quân 1 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng. Đây là tỷ lệ khá cao. Cả nước có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo trong tổng số 1.998 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 2 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề. Các cơ sở này, hàng năm tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp, dạy nghề ngắn hạn cho hơn 2.000 người. Đó là những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
Các tổ chức tôn giáo mong muốn, Đảng và Nhà nước có những cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc cấp đất, kinh phí hoạt động, kịp thời biểu dương, khen thưởng... để các tổ chức tôn giáo tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa trong hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Sau khi nghe các báo cáo và tham luận của các vị đại biểu trong Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu chỉ đạo. Ghi nhận những đóng góp to lớn, đầy tính nhân văn của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề thời gian qua. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: "Bộ LĐ- TB&XH đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 68/2008/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập, giải thể với các cơ sở bảo trợ xã hội và các Nghị định, Thông tư khác liên quan đến công tác này. Thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai 05 vấn đề cơ bản. Đó là: Có chính sách hỗ trợ người được các cơ sở bảo trợ nuôi dưỡng; Vận dụng các quy định của luật pháp hiện hành để mua bảo hiểm y tế cho đối tượng này; Rà soát tình hình đất đai, hoàn thành các thủ tục hợp thức hóa việc sử dụng đất nếu có yêu cầu; Quan tâm giải quyết cấp các loại giấy từ như khai sinh, tạm trú; Miễn giảm học phí cho các em tại các cơ sở bảo trợ xã hội khi ra ngoài học.
Tại Hội nghị, ghi nhận những thành tích xuất sắc của các tập thể và cá nhân trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và dạy nghề năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã trao tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 27 cá nhân thuộc các tổ chức tôn giáo.