Triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp tại khu vực ĐBSCL
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:52 - 09/05/2022
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng; ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN; ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM.
Về phía các địa phương có ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH và các cơ sở GDNN các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL.
Tại hội nghị, Tổng Cục GDNN đã triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo đó, mục tiêu của Chiến lược là phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về GDNN trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược, Quyết định nêu rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó “Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” là giải pháp đột phá.
Cụ thể, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN; truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN; chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về GDNN.
Tại Hội nghị, ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN cho biết, để triển khai hiệu quả chiến lược, mỗi vùng miền, mỗi địa phương nên có chương trình cụ thể riêng, trong đó cần đẩy mạnh liên kết vùng trong công tác GDNN.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, mỗi địa phương nên sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để xác định được nguồn lực và mục tiêu của chiến lược. Đồng thời quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực cán bộ làm công tác quản lý GDNN ở cấp Sở và cấp phòng.
“Các cơ sở GDNN cần tăng cường công tác tuyển sinh trong năm 2022; Rà soát, đánh giá và chuẩn bị cho công tác chuẩn bị triển khai chương trình mục tiêu quốc gia; Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn trong 5 năm tới,…” vị Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khuyến khích các địa phương nên xây dựng chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu của chiến lược đề ra.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng Cục GDNN cần rà soát lại 5 quan điểm, 8 nhiệm vụ giải pháp để có tầm nhìn đến 2045.
“Tổng Cục GDNN nên đặt hàng các Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, các chuyên gia trong lĩnh vực GDNN để hoàn thiện những vấn đề mà trong thể chế còn bất cập, từ đó đề xuất kiến nghị để đưa vào dự thảo để sửa đổi luật, thông tư, nghị định…”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.