THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:53

Đào tạo nghề cho thanh niên cần được xem là trọng tâm ở mọi cấp, trình độ, hình thức đào tạo

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự diễn đàn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự diễn đàn.

Sáng nay 30/3, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên Việt Nam, với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.

Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931- 26.3.2022), hướng tới chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027.

Chất lượng đào tạo nghề đứng thứ 102/141 quốc gia: Mức tăng xếp hạng cao nhất trong ASEAN

Dự và chủ trì Diễn đàn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam,; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn; cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các tỉnh thành Đoàn…

Và các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, các bạn đoàn viên thanh niên đạt nhiều thành tích cao trên lĩnh vực học tập, rèn luyện, lao động, công tác, khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước.

Trong không khí của những ngày kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, với khí thế trẻ trung, sôi nổi của tuổi trẻ cả nước trong Tháng Thanh niên năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng thông qua Diễn đàn sẽ có được bức tranh tổng thể về thực trạng, cơ hội, thách thức đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay và thống nhất về quan điểm, định hướng, giải pháp trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Diễn đàn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, giai đoạn 2016-2020, tuyển sinh học nghề cả nước đạt trên 11 triệu người, trong đó hơn 22,3% theo học Trung cấp, Cao đẳng chủ yếu là đối tượng thanh niên. Lao động qua đào nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn được chú trọng; giai đoạn 2011-2020, cả nước có gần 4,6 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách, trong đó khoảng 57,3% là thanh niên.

Ông Mẫn cho rằng, chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Cao đẳng, Trung cấp có việc làm tăng lên, năm 2020 đạt khoảng 85%.

“Chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam xếp thứ 102/141 quốc gia, đây là mức tăng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia ASEAN”, ông Trần Thanh Mẫn cho biết và đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Empty

“Thử thách kép” với thị trường lao động

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn khó lường, khó dự báo ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hoạch định chính sách và phát triển chung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Các thách thức đó đến từ nhiều nguyên nhân, song không thể không nói đến tác động mạnh mẽ của sự bùng phát đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Có thể coi đây là “Thử thách kép” đối với thị trường lao động toàn cầu: vừa gây đứt gãy thị trường lao động trẻ, vừa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và đào tạo nghề nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu”, ông Tuấn nói.

Dẫn số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ông Tuấn cho biết, đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra.

Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề. Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt.

Vì thế, “Diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên Việt Nam hôm nay là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong chủ trương duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, cho người dân nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng”, ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự

 

Tránh sự chia cắt cơ học, không hợp lý 

Nội dung trao đổi tại diễn đàn tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên; công tác đào tạo nghề cho thanh niên các khối đối tượng: thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên; các chính sách và khuyến nghị về đào tạo nghề cho thanh niên trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 và cuộc cách mạng 4.0...

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế đặt vấn đề, Đoàn thanh niên có nhiều mô hình gắn kết đào tạo việc làm cho thanh niên và cần nhân rộng mô hình này. Đặc biệt, trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 càng cần thiết, muốn tạo việc làm cho thanh niên, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng.

"Đoàn Thanh niên và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần hợp tác để đào tạo nghề, đừng để lao động trẻ trở về lao động phi chính thức. Đây là thách thức với thị trường lao động nước ta”, ông Mạc Văn Tiến chia sẻ.

Ở khía cạnh của doanh nghiệp, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, việc đào tạo nghề là do sự chủ động của mỗi doanh nghiệp và có sự liên kết.

Chẳng hạn, tại Sacombank, các chương trình liên kết đào tạo nghề cho người lao động được thực hiện từ những năm đầu tiên ở trường đại học. Từ năm thứ 3, sinh viên có thể đi làm và có thu nhập. Sau khi tốt nghiệp, đây là nguồn lao động tiềm năng cho ngân hàng. Sacombank đã có sự chuẩn hoá mô hình đào tạo, thiết lập cộng đồng học tập.  

Kết luận Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu rõ 10 vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Trong đó nhấn mạnh lực lượng thanh niên là đông đảo nhất, đóng vai trò lực lượng chủ đạo trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

“Đào tạo nghề cho thanh niên cần được xem là một trong những trọng tâm của cả hệ thống giáo dục - đào tạo ở mọi cấp, trình độ, hình thức đào tạo (không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng hệ thống giáo dục nghề nhiệp). Điều đó đòi hỏi cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực ở mọi cấp độ, mọi địa phương, các lĩnh vực; tránh sự chia cắt cơ học, không hợp lý”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Từ đó, ông Vinh cho rằng, thách thức trong giai đoạn trước mắt là vừa phải giải quyết bài toán đảm bảo cung ứng nhân lực cho phục hồi kinh tế - xã hội trong tình thế dịch Covid - 19 đang còn tác động mạnh và không sớm kết thúc, vừa phải thực hiện các giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược lâu dài về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong 5 - 10 - 20 năm tới để tạo động lực then chốt cho đất nước phát triển nhanh - bền vững.

Báo cáo kết quả của Diễn đàn sẽ được gửi tới các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan làm tài liệu tham khảo khi xem xét, hoạch định chính sách về đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho thanh niên nói riêng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất, hăng hái tiên phong, cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên, đề cao vai trò, vị trí của thanh niên.

 

Nhận thức vấn đề quan trọng đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong những năm qua Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để thanh niên trở thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng và dân tộc. Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên, Luật Giáo dục nghề nghiệp... Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều chương trình, đề án, tạo cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát huy sức trẻ, trí tuệ, sự sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh