THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:20

Trẻ vị thành niên tự ngược đãi bản thân

 

Những hành vi này thường xảy ra với những người trẻ, chủ yếu là tuổi vị thành niên, trong khi gia đình không biết những mong muốn của trẻ.

TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng Phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Ngày 15/8, BV đã tiếp nhận một bệnh nhân 9 tuổi (Hà Nội), qua khai thác được biết, bố mẹ bé thường xuyên bận rộn nên hay cho bé sử dụng ipad. Dần dần bé thích chơi game, xem youbute… Một năm trở lại đây, bố mẹ cấm, hạn chế không cho bé sử dụng nữa thì bé thấy căng thẳng, bứt rứt trong người, bé thấy ngứa đầu và dùng tay nhổ tóc, tự cấu chân tay mình. Bố mẹ phát hiện khi thấy con rụng một mảng tóc trên đầu thì tìm cách điều trị tâm lý bằng cách quan tâm, cho bé đi chơi nhiều hơn, cháu có biểu hiện đỡ nhưng vẫn còn cấu chân tay. “Cháu nhổ tóc cấu chân tay không thấy đau mà thấy thoải mái hơn”, cháu bé chia sẻ.


Trẻ dùng dao lam để rạch nhiều vết chằng chịt trên cổ tay.


Một trường hợp khác là nam sinh 22 tuổi (tại Hà Nội) học năm thứ hai đại học. Em đã dùng dao lam để rạch nhiều vết chằng chịt trên cổ tay, nhưng chỉ bị rỉ máu và không nguy hiểm đến tính mạng. Theo gia đình bệnh nhân, Đạt là sinh viên ngoan, hiền, học giỏi và muốn được đi du học nhưng do bố mẹ không có đủ điều kiện nên ước mơ không thành hiện thực, Đạt trở nên chán nản, ức chế tâm lý. Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết mỗi lần cắt tay như vậy không hề cảm thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Sau khi vào viện khi được sự quan tâm của gia đình và bác sĩ, bệnh nhân đã được điều trị ổn định tâm lý, không còn tự cắt tay

“Các biểu hiện tự ngược đãi là người bệnh thường dung dao lam, mảnh sành, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má, nhịn ăn, lao đầu vào tường hoặc đặt ra những “hình phạt” không phù hợp cho mình… để được thoả mãn. Điều đáng nói là sau những hành động trên bệnh nhân thường thầy thoải mái hơn nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế”, bác sĩ Tâm nói. 

 

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện sức khoẻ tâm thần (Trưởng bộ môn Điều trị rối loạn Stress Đại học Y) cho biết, những người có triệu chứng ngược đãi bản thân thường bắt nguồn từ việc bị stress mạnh, hoặc không mạnh nhưng diễn ra thường xuyên. “Thay vì tìm cách loại bỏ stress thì các bệnh nhân lại tìm cách loại trừ bản thân để gây sự chú ý với mọi người. Thường stress đến do mâu thuẫn trong cuộc sống, bất mãn với gia đình và xã hội”, ông Tuấn cho biết. 

Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay, trẻ vị thành niên đối diện với nhiều stress ở nhà và ở trường, nhân cách dễ bị dao động. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng/bệnh tự ngược đãi bản thân ở tuổi teen. Muốn loại trừ triệu chứng này gia đình và thầy cô phải quan tâm chia sẻ, phát hiện stress của trẻ và giúp trẻ giải toả các stress này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện sức khoẻ tâm thần, tự ngược đãi bản thân là một triệu chứng, không phải là một bệnh nhưng cũng đáng lo ngại, vì khi người bệnh không giải tỏa được tâm lý sẽ có nhiều cấp độ, tự ngược đãi bản thân, muốn dừng cuộc sống, toan tự sát và tự sát. Đôi khi, tự ngược đãi bản thân nhưng vô tình gây nguy hiểm đến tính mạng. Triệu chứng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ mầm non. Chẳng hạn, trẻ quen được nuông chiều, khi không đáp ứng đòi hỏi của trẻ, chúng sẽ tự gây chú ý bằng hình thức đấu tranh bỏ ăn, tự làm đau mình hoặc đập đầu vào tường… nhưng chủ yếu là ở cấp độ nhẹ, và nhất thời.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh