THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:03

Không để những vụ bạo hành trẻ em rơi vào im lặng

 

* Mới đây, ngay tại Hà Nội một vụ giáo viên bạo hành trẻ em đã diễn ra tại trường mầm non Sen Vàng, với cương vị là lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, ông cảm thấy thế nào khi sự việc trên xảy ra?

Ông Đặng Hoa Nam: - Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) có một hệ thống theo dõi thông tin rất chặt chẽ qua báo chí, qua các mạng xã hội về tất cả các thông tin về trẻ em. Ở Cục BVCSTE cứ 10 ngày có một thống kê tất cả các diễn biến về trẻ em qua phản ánh của báo chí. Trong đó, trọng tâm là những vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích. Ngoài ra Cục BVCSTE còn có đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em để tiếp nhận các thông tin trực tiếp từ trẻ em và qua phản ánh của người dân. Nếu có trường hợp trẻ em bị xâm hại thì nhân viên tư vấn đường dây chủ động gọi điện, xác minh và phối hợp với các cơ quan, cá nhân, hoặc trách nhiệm của địa phương để hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

 

 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em.

Riêng vụ việc trường mầm non Sen Vàng, đây là vấn đề thuộc bạo lực trong trường học. Thật sự tôi thấy buồn và rất lo ngại, bởi vì sự việc được lặp đi lặp lại qua nhiều năm. Đáng buồn hơn là những vụ bạo hành trước đây ở các trường học có dấu hiệu vi phạm hình sự đều bị điều tra xử lý nghiêm khắc nhưng bạo lực vẫn xảy ra, đặc biệt là bạo lực trẻ nhỏ tuổi, trẻ mầm non.

* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến ngày càng có nhiều vụ bạo hành trong trường học được lặp đi lặp lại?

Ông Đặng Hoa Nam: - Một là liên quan đến việc thành lập, Bộ GD&ĐT cũng đã có những hướng dẫn, qui định, các tiêu chuẩn đến các cơ sở giáo dục mầm non. Đặc biệt là giáo dục mầm non, đòi hỏi càng phải nghiêm túc hơn và phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ vì trẻ em nhỏ, dễ bị tai nạn, không có khả năng tự bảo vệ. Thứ hai, về tiêu chuẩn chọn lựa và sử dụng những giáo viên, phải chăng còn dễ dãi quá! Đối với giáo viên ở các bậc đào tạo cao hơn, như: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, ĐH có hệ thống đào tạo bài bản, còn giáo viên mầm non đào tạo chưa bài bản và giám sát chưa chặt chẽ nên việc bạo lực vẫn thường xuyên xảy ra.

Vấn đề kiểm tra giám sát của đội ngũ giáo viên, các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non không chỉ liên quan đến năng lực mà còn là đạo đức của những người làm giáo dục mầm non nữa. Bởi vì, ngoài những kiến thức về chuyên môn, sư phạm, các kiến thức về tâm lý, về tự kiềm chế bản thân, các giáo viên mầm non còn phải hiểu về quyền trẻ em nói chung, tôn trọng trẻ em, về pháp luật, bảo vệ trẻ em.

Theo tôi, ở đây có ba nguyên nhân chính dẫn đến ngày càng có nhiều vụ bạo hành xảy ra. Thứ nhất, họ không hiểu pháp luật, thứ hai, họ coi thường pháp luật và họ không đủ kiến thức kỹ năng để kiềm chế được bản thân. Trong vụ ở trường mầm non Sen Vàng, giáo viên nói “không kiềm chế được bản thân”, nhưng đó là hành vi không được phép. Bởi vì bất kỳ hành vi nào bạo hành trẻ em ở trong cơ sở giáo dục là vi phạm pháp luật, vi phạm nội qui, qui chế của Bộ GD&ĐT. Hơn nữa, giáo viên không được coi đó là một biện pháp giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em bằng bạo lực. Vấn đề kiềm chế được bản thân phải được xuất phát từ giáo viên và trách nhiệm của cơ sở giáo dục khi tuyển dụng họ vào làm việc và phải giám sát theo dõi họ như thế nào trong cả quá trình làm việc.

Vấn nạn bạo lực trẻ em không chỉ ở Việt Nam hay trong trường học mà xảy ra ở rất nhiều nơi, nhưng vấn đề nghiêm trọng ở đây là bạo lực được lặp đi lặp lại tại những cơ sở giáo dục, khu dân cư đô thị là nơi có trình độ dân trí cao. Vì vậy không thể nói giáo viên và người quản lý cơ sở giáo dục không có trình độ, thiếu hiểu biết.

Để không còn xảy ra tình trạng bạo lực, về phía quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo đội ngũ giáo viên trực tiếp với trẻ em. Vì giáo viên là những người trực tiếp làm việc hàng giờ, hàng ngày với các em thì phải có những kiến thức, kỹ năng về giáo dục, chăm sóc trẻ em và đặc biệt phải là người thực hiện những qui định pháp luật về bảo vệ trẻ em, không được xâm hại trẻ em.

Ngành Giáo dục phải thường xuyên tăng cường kiểm tra thanh tra việc thực hiện và chấp hành pháp luật của các giáo viên, nhà trường. Về phía cộng đồng xã hội mặc dù mấy năm gần đây người dân đã dám phản ánh, tố cáo những vụ việc bạo lực xâm hại trẻ em với các cơ quan chức năng, nhưng cần mạnh dạn hơn nữa ngay từ lúc nó còn manh nha, chứ đừng để sự việc đến lúc xảy ra thường xuyên, không được phát hiện kịp thời với cấp độ nặng hơn với nhiều trẻ hơn. Cũng may là vụ ở trường mầm non Sen Vàng hậu quả đáng tiếc chưa xảy ra, còn ở những cơ sở mầm non khác không chỉ bạo hành mà còn là sự an toàn, tai nạn của trẻ xảy ra trong quá trình trông giữ trẻ thường xuyên xảy ra và khi đã xảy ra thì rất đáng tiếc, nó ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

 

 

Cô giáo bạo hành trẻ đều ở nhóm lớp mầm non Sen Vàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội).


Hiện nay nhu cầu của người dân, đặc biệt là với tốc độ đô thị hóa như bây giờ các khu công nghiệp hình thành, nhu cầu nhà nước chưa đáp ứng được và nhà nước cũng đang có xu hướng khuyến khích tư nhân, xã hội tham gia vào việc thành lập các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non, nhưng phải được giám sát chặt.

* Là cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, Cục đã có những động thái gì sau khi vụ việc bạo hành ở trường mầm non Sen Vàng xảy ra. Ông có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh?

Ông Đặng Hoa Nam: - Sau những vụ bạo hành liên tiếp xảy ra, các bậc phụ huynh học sinh cuối ngày khi đón con ở trường về thì phải thường xuyên quan sát xem thân thể của trẻ có vấn đề gì không, vì gần đây có nhiều vụ việc do phụ huynh, đồng nghiệp và báo chí phát hiện.

Nạn bạo lực, xâm hại trẻ em có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở đâu, đó là vấn đề chung của xã hội nên các bậc phụ huynh cần phải quan tâm nhiều hơn. Không phải cứ gửi con vào nhà trẻ là yên tâm, là hết trách nhiệm, mà khi cuối ngày đón về phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nếu trẻ có dấu hiệu khác thường để kịp thời phản ánh với nhà trường và cơ quan chức năng.

Đáng tiếc là có một số vụ việc trực tiếp phụ huynh phát hiện nhưng vẫn chủ yếu là tung lên mạng xã hội, đó cũng là một cách nhưng cách mà vượt qui định bây giờ là chúng ta cần phải thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng có trách nhiệm thì sự việc mới được giải quyết nhanh chóng và đúng pháp luật, bảo vệ được nạn nhân bị xâm hại và ngăn chặn ngay từ đầu. Như nạn xâm hại tình dục trẻ em mà tung lên mạng xã hội thì không bảo vệ được. Nếu mình thông báo với cơ quan chức năng thì vừa giải quyết được vấn đề, vừa đấu tranh được với hành vi phạm tội và tội phạm. Vì trong một số trường hợp nạn nhân cần phải được bảo vệ và can thiệp kịp thời về những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần, cùng với gia đình để giảm thiểu tối đa nạn bạo lực.

Bộ LĐ-TB&XH và Cục BVCSTE có dịch vụ đường dây nóng: 18001567 nếu có vấn đề gì người dân hãy gọi điện đến, Bộ và Cục sẽ có sự phối hợp và chỉ đạo với địa phương thực hiện sự việc kịp thời.

* Xin cảm ơn ông!

CÙ HÒA (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh