THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:58

Tội phạm vị thành niên: Hồi chuông cảnh báo

 

Nỗi ám ảnh từ những con số

Theo Báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội: Trong vòng 5 năm (2011-2015), toàn thành phố phát hiện 886 vụ với 1.284 trẻ em chưa thành niên phạm tội. Công an TP Hà Nội xử lý hình sự 677 vụ với 944 đối tượng; xử lý hành chính 209 vụ với 340 đối tượng. Nếu như trước đây, trẻ em chưa thành niên phạm tội thường liên quan đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc trộm cắp tài sản với mức độ ít nghiêm trọng, thì nay tính chất, mức độ và hành vi ngày càng nguy hiểm như: Giết người, cướp tài sản, hiếp dâm. Cũng trong vòng 5 năm (2011-2015), toàn thành phố có tới 23 vụ trẻ em chưa thành niên phạm tội giết người; 129 vụ cướp tài sản; 30 vụ cưỡng đoạt tài sản… Trong đó điển hình là vụ giết người ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội: Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong quán bia giữa hai nhóm thanh niên mà Đỗ Văn Việt (SN 1999) đã cầm kiếm tự tạo đâm chết anh Nguyễn Anh Minh, sinh năm 1989… Đáng lo lắng không kém là tình trạng học sinh trong các trường học chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà đánh nhau gây chết người gây tâm lý lo ngại cho cha mẹ học sinh và gây bức xúc dư luận xã hội.

 

Ảnh minh họa

Cũng theo báo cáo này thì trong vòng 5 năm (2011-2015) trên địa bàn thành phố có 85 trẻ em dưới 18 tuổi nghiện ma túy. Tất cả số trẻ em này đều được công an các cấp cơ sở lập hồ sơ để quản lý tại địa phương nơi cư trú. Đáng chú ý, số đối tượng trẻ em nghiện ma túy không giảm mà có chiều hướng gia tăng (năm 2011 phát hiện 2 em; năm 2012 có 16 em; năm 2015 đã lên tới 26 em).

Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) – Bộ Công an cho thấy, trong vòng 2 năm (2014 – 2015), toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật do hơn 25.000 trẻ em và người chưa thành niên gây ra; trong đó, chiếm phần lớn là các hành vi cướp tài sản (2.105 vụ), cố ý gây thương tích (3.236 vụ), gây rối trật tự công cộng (2.035 vụ), trộm cắp tài sản (4.027 vụ)... Cơ quan công an đã xử lý hình sự 5.667 vụ với hơn 8.300 đối tượng. Đáng chú ý, số đối tượng dưới 14 tuổi chiếm tỷ lệ gần 20%. Nguy hiểm hơn, theo C64, hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã manh nha xuất hiện hiện tượng mại dâm trẻ em nam từ 12 đến 17 tuổi.

“Lỗ hổng” trong giáo dục nhân cách

Theo C64, độ tuổi phạm tội hiện nay có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt tội phạm trong tuổi vị thành niên vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể và có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ của hành vi. Tình trạng người chưa thành niên gây án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng tăng. Trong mấy năm trở lại đây có tình trạng trẻ em và người chưa thành niên tụ tập thành băng nhóm hoạt động manh động, sử dụng vũ khí gây ra các vụ án cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, sử dụng chất kích thích, ma túy tổng hợp.

Trung tá, tiến sĩ Trần Chiến Thắng, Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ cảnh sát vũ trang Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, từng nghiên cứu dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên cho biết, qua nghiên cứu hơn 5.100 người chưa thành niên phạm tội có các biểu hiện sau: về cảm nhận của các em trong gia đình: có hạnh phúc 41,48%, gia đình hạnh phúc bình thường 45,51%, gia đình không hạnh phúc 13,01%. Về hoàn cảnh kinh tế: các em sống trong gia đình giàu có, khá giả 14,56%, trung bình 63,92%, gia đình nghèo khó và rất nghèo là hơn 21%. Riêng về hoàn cảnh sống cùng cha mẹ là 57,4%, còn lại là sống với cha hoặc với mẹ và người thân khác như ông bà, cô dì, chú bác…“Có đến 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo và đối tượng lớn tuổi hơn, khả năng bị lôi kéo vào con đường phạm tội là rất cao. Các em đa số đều có biểu hiện hỗn láo với ông bà, cha mẹ và thầy cô. Hơn 60% đều có chơi game bạo lực” – TS Thắng cho biết thêm.

 

Ảnh minh họa

Ông Lê Sơn, thành viên Trung ương Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội, trong đó nguyên nhân chính là do trẻ em hiện nay ngày càng bị cô đơn ngay chính trong ngôi nhà mình. Cha mẹ ít có thời gian gần gũi, trẻ chơi game nhiều hơn, tìm vui ở các dịch vụ trên mạng Internet, trẻ dễ bị vô cảm, sống ích kỷ hơn và đặc biệt là thiếu kỹ năng xây dựng tình bạn. Từ thiếu kỹ năng đó, trẻ dễ gây gổ đánh nhau và hơn hết là hung hăng với bè bạn. Hơn nữa hiện nay tại trường học còn quá coi trọng truyền đạt kiến thức mà quên đi việc dạy trẻ về nhân cách và tình yêu thương.  “Giải pháp tốt nhất để các em có một cuộc sống lành mạnh, không tiêm nhiễm cái xấu và có trách nhiệm với bản thân chính là việc các em phải được sống trong những gia đình thật sự hòa thuận, cha mẹ luôn yêu thương, quan tâm con cái một cách trọn vẹn. Nhà trường cần tăng cường giáo dục các em về kỹ năng sống về lòng nhân ái” – ông Sơn nhấn mạnh.

Còn TS tâm lý Nguyễn Thu An thì cho rằng, việc nhận ra những điểm khác thường của con trẻ là rất quan trọng. Nếu thấy con mình hay đóng cửa phòng một cách bí mật, gọi điện thoại, một số hành động lạ nhiều hơn bình thường thì cần quan tâm, theo dõi. Nhất là với lứa tuổi 14, 15, 16 các bậc phụ huynh cần phải biết con mình chơi với ai, chơi như thế nào để có những định hướng cần thiết. Hạn chế con tiếp xúc nhiều với các phim ảnh, trò chơi bạo lực trên game online. 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh