THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:13

Trẻ thiệt thòi vì không được làm giấy khai sinh

 

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã can thiệp cho 25 trường hợp về đăng ký khai sinh cho trẻ em. Điều đáng nói, trong số 25 trường hợp Tổng đài can thiệp thì đến nay vẫn còn 16 em vẫn chưa được đăng ký khai sinh. Theo bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng phòng Dịch vụ-Tư vấn, Trung tâm tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên nhân của việc này là thiếu quy định cụ thể về việc khai sinh cho trẻ em là con ngoài giá thú trong một số trường hợp. Điển hình như trường hợp trẻ 2 tuổi ở Ninh Thuận chưa được làm giấy khai sinh do vậy không được làm thẻ Bảo hiểm y tế trong khi trẻ đang phải điều trị bệnh tim bẩm sinh. Nguyên nhân do mẹ trẻ chưa ly hôn với người chồng hợp pháp nhưng đã có con ngoài giá thú với người khác nên cán bộ tư pháp xã không chấp nhận làm giấy khai sinh cho trẻ do chưa có văn bản nào hướng dẫn.

Mọi trẻ em đều được đăng ký khai sinh để hưởng các quyền được pháp luật quy định.

 

Một lý do nữa là trẻ không có giấy chứng sinh như trường hợp trẻ là con ngoài giá thú được sinh ra ở Hà Nội không có giấy chứng sinh. Sau đó mẹ trẻ bỏ đi không rõ tung tích, bố trẻ bị bắt và bị kết án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, trẻ được công an đưa về ở với ông nội khi được 9 tháng. Ông nội trẻ ra UBND xã để làm giấy khai sinh cho trẻ, cán bộ tư pháp không làm giấy khai sinh vì chưa có văn bản hướng dẫn về trường hợp này. Ngoài ra, còn do mẹ của trẻ không có giấy tờ tùy thân nên trẻ không được đăng ký khai sinh. Một số trường hợp trẻ không được làm giấy khai sinh vì là con ngoài giá thú, bản thân mẹ của trẻ không có giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh thư.

Theo bà Hải, trẻ không được làm giấy khai sinh cũng có nguyên nhân từ phía gia đình, người chăm sóc trẻ em. Theo quy định, bố mẹ chung sống với nhau không đăng ký kết hôn khi sinh ra con ngoài giá thú vẫn được đăng ký khai sinh nhưng vì có thêm một số các yếu tố khác như mẹ bỏ đi hay không còn giấy chứng sinh của trẻ,… nên việc đăng ký khai sinh cho trẻ gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, có người nghĩ giấy khai sinh không quan trọng nên chậm hoặc thậm chí không đi đăng ký khai sinh cho trẻ, đến khi nào cần như khi trẻ bắt đầu đi học bắt buộc phải có giấy khai sinh thì lúc đó mới đi đăng ký. Hầu hết các trường hợp trẻ chưa được làm giấy khai sinh, làm giấy khai sinh muộn nguyên nhân phần lớn là do sự thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức còn hạn chế, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu hợp tác của chính bố mẹ, ông bà. Ví dụ như trường hợp ông Q. ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên có cháu nội sinh năm 2009. Bố mẹ cháu không đăng ký kết hôn, sau khi sinh con mẹ bỏ đi, bố bị bắt nên ông nội nuôi cháu. Hiện tại, cháu không có giấy khai sinh để có thể đi học. Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội (TTCTXH) tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn ông đến UBND xã để làm các thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu nhưng ông không đến.

Bên cạnh đó còn do sự khó khăn từ những người thân trong gia đình. Trường hợp chị H. có hộ khẩu thường trú cùng bà ngoại và cậu tại quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi chị sinh cháu Đ., đi đăng ký khai sinh cho cháu thì cậu ruột không cho mượn sổ hộ khẩu nên không thể tiến hành đăng ký khai sinh và nhập khẩu cho trẻ.

Một số người dân nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi nhưng do không biết các quy định về thủ tục trình báo theo đúng quy định pháp luật nên đến khi làm đăng ký khai sinh cho trẻ gặp khó khăn như không biết nguồn gốc của trẻ, không có ai làm chứng. Cụ thể, trường hợp vợ chồng anh C. ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang do hiếm con nên vào tháng 1/ 2016 được một người tự nhận là bác sĩ ở bệnh viện sản Bắc Giang cho một bé trai 2 ngày tuổi bị bỏ rơi ở bệnh viện mà không có giấy tờ gì. Sau 2 ngày nhận đứa trẻ về nuôi anh chị mới lên UBND xã trình báo. Được UBND xã hướng dẫn quay lại bệnh viện để làm rõ sự việc. Anh đến bệnh viện nhưng không có ai trong bệnh viện biết sự việc và đứa trẻ. Anh không có bất cứ thông tin nào về người cho anh đứa trẻ. Vì thế, anh không làm được giấy khai sinh và thẻ BHYT cho trẻ. UBND xã trả lời không làm giấy tờ cho trẻ được vì sợ bị kiện.

Ngoài ra, một số trẻ không được đăng ký khai sinh do cán bộ tại một số địa phương có thái độ làm việc sách nhiễu, thiếu trách nhiệm. Chính quyền địa phương yêu cầu phải có giấy chứng sinh, giám định ADN… thì mới làm giấy khai sinh cho trẻ trong khi pháp luật quy định về các trường hợp hợp đặc biệt khi khai sinh không nhất thiết phải có những giấy tờ đó. Mặt khác có nhiều trường hợp cha, mẹ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không lo được chi phí làm xét nghiệm ADN chứng minh quan hệ cha con, mẹ con nên không thể làm giấy khai sinh cho trẻ theo yêu cầu của cán bộ địa phương. Có trường hợp, cán bộ tư pháp xã không chịu làm giấy khai sinh cho trẻ mặc dù có công văn hướng dẫn cụ thể của Sở Tư pháp. Điển hình là trường hợp của chị P.T.P thường trú tại Đội 5 - Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội gọi tới Tổng đài đề nghị hỗ trợ về việc chị nhận nuôi 1 cháu trai sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng. Sau khi nhận trẻ về, chị liên hệ cán bộ tư pháp xã để làm thủ tục nhận con nuôi và giấy khai sinh, nhưng cán bộ tư pháp xã không giải quyết với lý do không đủ thẩm quyền. Tổng đài đã kết nối với UBND xã Thượng Mỗ, TTCTXH Hà Nội; TTCTXH tỉnh Yên Bái; Phòng BVTE Hà Nội. Đến nay, trẻ đã được làm giấy khai sinh sau thời gian dài các cơ quan chức năng vào cuộc.

“Quy định về hình phạt đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định mới chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo. Như vậy, so với tầm quan trọng của việc khai sinh cho trẻ thì hình phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ mức răn đe”, bà Hải nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh