CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:48

Trẻ em dân tộc Khmer và Mông không đến trường có tỉ lệ cao nhất

 

Báo cáo Trẻ em ngoài nhà trường, tỉ lệ trẻ em dân tộc thiểu số chưa từng đi học hoặc đã bỏ học (trẻ em ngoài nhà trường) đã giảm đáng kể so với năm 2009. Dân tộc Khmer và Mông tuy có tiến bộ đáng kể sau 5 năm, nhưng vẫn có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất so với các nhóm dân tộc khác. Nghiên cứu còn cho thấy, có sự khác biệt lớn về trẻ em ngoài nhà trường giữa nhóm hộ gia đình nghèo nhất và giàu nhất. Đặc biệt, ở cấp học cao hơn sự khác biệt này càng lớn.

Cơ hội đến trường của trẻ em gái dân tộc thiểu số thường thấp hơn trẻ em người dân tộc Kinh ở đồng bằng và thành phố.

 Ở độ tuổi 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của nhóm hộ nghèo nhất cao hơn nhóm giàu nhất gần 3 lần, ở độ tuổi tiểu học là 5,5 lần và ở độ tuổi trung học cơ sở là 10 lần. Trẻ em ở độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở ở nông thôn đều thiệt thòi hơn ở thành thị ở tất cả các vùng, trong đó thiệt thòi nhất là trẻ em nông thôn của 2 vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhóm trẻ em di cư luôn có tỷ lệ ngoài nhà trường cao hơn so với nhóm trẻ không di cư và sự khác biệt cũng tăng khi độ tuổi tăng. Ở các gia đình di cư, tỷ lệ trẻ em không đi học cao hơn ở các gia đình không di cư 1,2 lần ở độ tuổi mầm non, 1,6 lần ở độ tuổi tiểu học và 1,7 lần ở độ tuổi trung học cơ sở.

Các chuyên gia cho rằng, có một số rào cản và vướng mắc gây ra tình trạng trên gồm các rào cản về kinh tế, văn hóa, xã hội về phía cầu, tức là phía trẻ em và gia đình trẻ em có nhu cầu được đi học. Rào cản kinh tế về phía cầu chủ yếu là tình trạng nghèo đói làm hạn chế khả năng chi trả của gia đình cho các chi phí học tập của con em họ. Các rào cản kinh tế khác về phía cầu gồm trẻ em phải lao động sớm, trẻ em di cư, hậu quả của biến đổi khí hậu và thiên tai. Các rào cản văn hóa xã hội về phía cầu là những rào cản làm giảm nhu cầu của gia đình cho con em họ đi học. Những rào cản này nằm ngay trong các gia đình, cộng đồng và trong những tập tục lâu đời mà gia đình, cộng đồng vẫn còn lưu giữ.

Ở Việt Nam, vấn đề lớn liên quan tới các rào cản văn hóa, xã hội về phía cầu là thiếu nhận thức về giá trị lâu dài của giáo dục, từ đó dẫn tới thiếu sự tham gia thực sự hiệu quả của gia đình và cộng đồng vào giáo dục. Các rào cản văn hóa, xã hội khác về phía cầu gồm: Kết quả học tập kém, trẻ không muốn đi học, thiếu sự quan tâm của gia đình; các quy chuẩn văn hóa trong một nhóm dân tộc thiểu số đặt phụ nữ và trẻ em gái vào vị trí phụ thuộc vào nam giới, nạn tảo hôn…

Còn rào cản về cung liên quan đến cơ sở hạ tầng, nguồn lực, giáo viên và môi trường học tập làm ảnh hưởng đến việc nhập học và tiếp tục ở lại trường của các em. Đồng thời, áp lực học tập, thiếu điều kiện vui chơi giải trí ở trường đã gây nhiều sức ép cho học sinh, làm một bộ phận học sinh dân tộc thiểu số và học sinh học yếu bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học.

Từ thực trạng vẫn còn trẻ em ngoài nhà trường, Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị nhằm giảm thiểu trẻ em ngoài nhà trường và giảm nguy cơ bỏ học trẻ em như: Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, các chính sách bảo trợ xã hội và tăng cường phòng ngừa “lao động trẻ em”; Tiếp tục thực hiện tốt phổ cập giáo dục và các chính sách hỗ trợ hiện hành cho học sinh có hoàn đặc biệt; Mở rộng mạng lưới điểm trường gần nhà học sinh ở khu vực miền núi, vùng sâu,vùng xa; Nâng cao khả năng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; Ưu tiên đầu tư cho học sinh dân tộc thiểu số; Tăng cường giáo viên biết tiếng dân tộc nơi họ đến dạy học và giáo viên dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật; Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật; Nhà trường, gia đình và xã hội cần phối hợp để nắm số lượng và vận động trẻ em ngoài nhà trường đến trường; Xóa bỏ tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”; Ưu tiên lồng ghép nguồn lực để đầu tư cho giáo dục….

Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường sử dụng số liệu của Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014. Báo cáo phân tích chung cả nước và 6 tỉnh, thành phố được phân tích sâu gồm: Lào Cai, Ninh Thuận, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh