THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:48

Năm 2018 sẽ kiểm tra việc thực hiện Luật trẻ em 2016

 

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, đến cuối tháng 12/2017, cả nước có 26.285.632 trẻ em, trong đó có 1.450.749 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 21,55%o. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân hiện nay toàn quốc đã giảm xuống còn 12,4%; Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt khoảng 95%.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, chiếm tới 24,6%; tỷ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện. Tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh, cho người lao động, người bệnh và người cao tuổi chưa được quan tâm đầy đủ.

Ông Nam cho biết, năm 2017, toàn quốc xảy ra 1.592 vụ xâm hại trẻ em, so với năm 2016 giảm 49 vụ; 1.642 trẻ em bị xâm hại trong đó trẻ em bị bạo lực: 245 em, giảm 171 em so với năm 2016; nhưng trẻ em bị xâm hại tình dục: 1.397 em, so với năm 2016 tăng 186 trẻ. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích..

Ngày 1/6/2017, Luật trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ chăm sóc trẻ em. Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Cục Trẻ em tham mưu Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 856/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em; Quyết định số 1354/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em; Quyết định số 1216/QĐ-UBQGVTE ngày của Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em về ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về trẻ em.

Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gian năm 2017.

 

Ngay sau khi Luật trẻ em có hiệu lực, Cục Trẻ em đã phối hợp triển khai Tổ chức hội thảo phổ biến các nội dung của Luật trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP cho 63 tỉnh/TP. Lãnh đạo Cục đã trực tiếp phổ biến Luật, Nghị định cho một số địa phươn: Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Định, Yên Bái, Đồng Nai, Tây Ninh, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Nguyên, Điện Biên và một số đơn vị: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội; Làng trẻ em SOS tại Bến Tre, Hội Bảo trợ tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện tại Cục đã hoàn thành bộ tài liệu tập huấn các nội dung liên quan đến công tác trẻ em.

Đặc biệt, năm 2017, tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” có 200 trẻ em đại diện cho trẻ em của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Làng trẻ em SOS và Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An tham gia.

Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã tiếp nhận 370.556 cuộc gọi đến trong năm 2017. Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã được nâng cấp thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với số ngắn 111, gồm 1 tổng đài chính tại Hà Nội và 2 trung tâm vùng tại Đà Nẵng và An Giang chính thức khai trương vào ngày 6/12/2017

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, tình hình trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục có diễn biến phức tạp, nghiêm trọng; môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích đối với trẻ em, tỷ suất trẻ em mắc và tử vong do tai nạn, thương tích còn cao, đặc biệt là tử vong do đuối nước. Hiện nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, đầu tư nguồn lực cho trẻ em.

Năm 2018, Cục Trẻ em đặt mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Góp phần đảm bảo cho mọi trẻ em được chăm sóc toàn diện và sống trong môi trường an toàn không bị tai nạn, thương tích. Đảm bảo việc can thiệp, trợ giúp kịp thời trẻ em có nguy cơ cao, trẻ em bị xâm hại. Trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan đến trẻ em thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể ở các cấp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Đào Hồng Lan biểu dương và đánh giá cao những kết quả lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức Cục Trẻ em đã được trong năm 2017.

Theo Thứ trưởng, năm 2017, Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực cùng với việc thực hiện các chương trình dự án triển khai đồng bộ 5 năm đã tạo bước chuyển trong thực hiện quyền trẻ em. Nhờ đó, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác trẻ em. Từ đó đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương trong công tác trẻ em và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, công tác trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn lực dành cho công tác trẻ em chưa được quan tâm nhiều. Năm 2018, Cục trẻ em cần lựa chọn và nhân rộng mô hình phòng chống đuối nước tốt, cần khuyến khích hệ thống các cấp ngành và xã hội hóa công tác phòng chống đuối nước trẻ em.

Thứ trưởng chỉ đạo, năm 2018 Cục kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật trẻ em 2016 sau 1 năm chính thức có hiệu lực. Qua đó, đôn đốc, nhắc nhở địa phương chuẩn bị báo cáo kết quả 1 năm triển khai Luật để chuẩn bị báo cáo Quốc hội. Trên cơ sở đó tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương về nửa thời gian triển khai các chương trình dự án, đánh giá sơ kết giữa kỳ.

Theo Thứ trưởng, Cục Trẻ em cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong công tác trẻ em về phòng chống đuối nước; phòng chống xâm hại trẻ em; triển khai đền án chương trình mục tiêu về trẻ em; phối hợp Trung ương đoàn là cơ quan đại diện tiếng nói trẻ em.

“Cục Trẻ em phải phối hợp Viện Khoa học lao động và Dự án Phòng ngừa lao động trẻ em điều tra lao động trẻ em trong năm 2018. Cũng trong năm 2018 cũng là năm công bố xếp hạng địa phương về công tác trẻ em 2017 để đánh giá mức độ đầu tư quan tâm công tác trẻ em của các địa phương”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh