CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:16

Trẻ em được tham gia vào các vấn đề của trẻ em

Quyền tham gia của trẻ em được quy định đầy đủ và cụ thể

Theo ông Đặng Hoa Nam, quyền tham gia của trẻ em được quy định trong Luật năm 2004, nhưng chưa đầy đủ, thiếu cụ thể và thiếu các nguyên tắc, giải pháp, biện pháp bảo đảm thực hiện. Các quyền tham gia của trẻ em nếu được thực hiện đầy đủ sẽ làm tăng mức độ tự tin và phát triển lòng tự trọng, xây dựng được hoài bão của trẻ em; trẻ em được làm quen với ý nghĩa của sự dân chủ, bình đẳng và tôn trọng, phát triển khả năng giao tiếp, học cách giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách có trách nhiệm, góp phần tạo nên một xã hội dân chủ, công bằng và quan trọng hơn sẽ phát huy được tối đa các tiềm năng của mỗi trẻ em, mỗi công dân.

 Năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc có khoá họp đặc biệt về trẻ em và đã ra Tuyên bố “Một thế giới phù hợp với trẻ em”. Tuyên bố nêu nguyên tắc lắng nghe ý kiến trẻ em và đảm bảo sự tham gia của các em: "Chúng ta phải tôn trọng các quyền của trẻ em được bày tỏ và tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến chính các em theo lứa tuổi và sự khôn lớn”.

Trẻ em tham gia phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Trẻ em 2015.

Các quy định về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em trước hết là thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề trẻ em” và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em: "Các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho trẻ em có đủ khả năng hình thành các quan điểm của mình được tự do phát biểu những quan điểm đó về tất cả các vấn đề có ảnh hưởng đến các em và những quan điểm của các em phải được coi trọng một cách phù hợp với tuổi và độ trưởng thành của các em...”. Dự thảo Luật dành riêng 1 chương để quy định rõ, đầy đủ, cụ thể về các điều kiện bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em: Các yêu cầu bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em; phạm vi, hình thức thực hiện; bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước; bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em trong gia đình; bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục; bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em trong hoạt động  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Lỗi của trẻ em chủ yếu do cách giáo dục

Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc, Việt Nam cần có một cơ quan đại diện cho tiếng nói của trẻ em và thực hiện cơ chế giám sát độc lập thực hiện quyền trẻ em. Tuy nhiên thực hiện điều này Việt Nam cần lộ trình để làm tương thích với tổ chức Nhà nước và được các cơ quan về quyền con người của Liên hợp quốc ghi nhận có cơ chế giám sát độc lập.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, hiện nay, các cơ quan dân cử đang đảm nhiệm chức năng đại diện, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri (là những công dân đủ mười tám tuổi trở lên) mà chưa bao gồm đối tượng trẻ em. Vì vậy, dự thảo Luật quy định cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em trong phần trách nhiệm của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh có quy định: “Thực hiện việc tiếp xúc với trẻ em hoặc trẻ em đại diện; chuyển các kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan, tổ chức và giám sát việc giải quyết các kiến nghị đó”. Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc “giám sát, phản biện, tham vấn kiến nghị với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện đường lối, pháp luật, chính sách, phân bổ nguồn lực đáp ứng các quyền trẻ em theo quy định pháp luật” và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện chức năng “Đại diện tiếng nói của trẻ em”. Quy định để tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm quyền trẻ em theo lĩnh vực của Bộ LĐ-TB&XH. 

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh