CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

“Lắng nghe...” để bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn

 

Quyền tham gia của trẻ em đi vào cuộc sống

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), năm 1990, Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất cứ điều khoản nào. Đây là động thái tích cực thể hiện chúng ta triển khai thực hiện tất cả các quyền của trẻ em, trong đó có quyền tham gia em. Trong nhiều năm, hàng loạt hoạt động, liên quan quyền tham gia của trẻ em như: Câu lạc bộ phóng viên nhỏ, Câu lạc bộ quyền trẻ em, Diễn đàn trẻ em các cấp, cung cấp thông tin cho trẻ em qua phương tiện truyền thông, đường dây nóng, đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em... đã được triển khai. Từ những kênh thông tin đó, trẻ em có thể nói lên tiếng nói, ý kiến của mình bất kỳ lúc nào với các cơ quan có trách nhiệm.

Sau Hiến pháp năm 2013, các quy định về quyền tham gia của trẻ em càng rõ ràng hơn trong các văn bản pháp luật. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi dành riêng 1 chương quy định về quyền tham gia của trẻ em; Thủ tướng phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2016-2020 … đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quyền tham gia của trẻ em một cách có hệ thống hơn, bài bản hơn và đi vào thực tiễn cuộc sống.

Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2015 tiếp tục lấy ý kiến trẻ em để hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi. Với chủ đề được chọn là “Lắng nghe trẻ em nói”, điểm nhấn chính là các em phải được tạo cơ hội nói tiếng nói của mình. Người lớn lắng nghe, cân nhắc phản hồi ý kiến của các em. Sau mỗi diễn đàn trẻ em quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp ý kiến, khuyến nghị, báo cáo Chính phủ, rồi chuyển nội dung các kiến nghị của trẻ em đến các bộ, ngành, tổ chức liên quan xem xét, cân nhắc để có phản hồi với đại diện trẻ em. Năm nay, Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 4 tổ chức sôi động hơn với các năm trước và lượng trẻ em tham gia nhiều nhất. Trước đó, trong tháng 6 và 7, có 55 tỉnh, thành phố tổ chức diễn đàn trẻ em. 19 địa phương tổ chức diễn đàn cho các em ở cả ba cấp xã, huyện, tỉnh. Theo đó, hơn 310 nghìn em nhỏ có cơ hội tham gia các diễn đàn trẻ em các cấp. Qua đó, trẻ em được thực hiện quyền tham gia của mình, trong việc xây dựng chính sách pháp luật, ra quyết định ở các cấp. Ý kiến của các em được lắng nghe, phản hồi. Tập trung thảo luận về những khuyến nghị đã gửi từ những diễn đàn trước. 

Những khuyến nghị từ các Diễn đàn được đáp ứng

Ông Đặng Hoa Nam cho biết, hầu hết các khuyến nghị của trẻ em trong các diễn đàn trẻ em quốc gia trước đó đều được đáp ứng, nhưng ở mức độ nào thì cần đánh giá thêm. Tuy nhiên, việc hoạch định chính sách và kế hoạch có sự chuyển biến đáng mừng. Ông Đặng Hoa Nam lấy ví dụ, tại Diễn đàn trẻ em quốc gia, các em khuyến nghị về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, cần một chương trình bảo vệ trẻ em. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ thông qua chương trình “Bảo vệ chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015”. Các em khuyến nghị cần đầu tư nhiều hơn về xây dựng đầu tư điểm vui chơi cho trẻ em, Thủ tướng cũng ban hành Quyết định quy hoạch và phát triển thiết chế văn hoá vui chơi nói chung, trong đó có thiết chế văn hoá ở vùng sâu, vùng xa vùng nghèo, khu công nghiệp, đặc biệt là thiết chế văn hoá về vui chơi cho trẻ em. Tại nhiều Diễn đàn, các bạn nhỏ nêu ý kiến quyền tham gia của trẻ em được quan tâm hơn. Thủ tướng đã ký quyết định triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Theo đó, các dự án liên quan nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng cho cha mẹ, trẻ em, người hoạch định chính sách thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

Hàng nghìn trẻ em được tham dự Diễn đàn trẻ em các cấp.

Ngoài ra, một số mô hình đang thực hiện quyền tham gia của trẻ em đang được thực hiện ở ở Việt Nam hay ở một số nước nhưng phù hợp với văn hoá nước ta cũng đã được áp dụng. Ông Nam hy vọng, thời gian tới, quyền tham gia của trẻ em thực hiện một cách cụ thể và trong đời sống hằng ngày, hơn là dừng lại ở các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình trên giấy.

Đánh giá về thực hiện quyền tham gia của trẻ em thời gian qua, ông Đặng Hoa Nam cho rằng đã có một bước chuyển lớn. Tuy nhiên, để trẻ em có thể nói lên tiếng nói của mình ngay trong mỗi gia đình, người lớn cũng cần có kỹ năng lắng ngheThực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình không thể hình thức, mà cần gắn chặt với kỹ năng làm cha mẹ của các bậc phụ huynh. Kỹ năng giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em gắn với quyền tham gia của trẻ em, gắn với tôn trọng ý kiến trẻ em của cha mẹ. Họ cũng nên lắng nghe, trao đổi với trẻ em về tâm tư, nguyện vọng mong muốn để giải quyết các vấn đề của trẻ nói riêng và các vấn đề về mối quan hệ của các thành viên trong gia đình nói chung. Bởi đôi khi, trong cuộc sống bận rộn hiện nay, người ta quên mất phải hỏi ý kiến trẻ em.

Khánh Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh