THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:21

Xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em có 3 cấp độ

 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cho rằng, tên luật hiện hành là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, được tiếp cận theo các lĩnh vực công tác: Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bản chất là luật quy định về các quyền trẻ em, tuy nhiên tên luật chưa phản ánh hết nội hàm các quyền trẻ em được Luật quy định. Tên luật sửa đổi là Luật Trẻ em, vì phản ánh đầy đủ nội hàm điều chỉnh của Luật, bao gồm tất cả các nhóm quyền trẻ em: Sống còn, phát triển, bảo vệ, tham gia. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật rộng nhưng đều lấy trẻ em làm trung tâm. Tên gọi Luật Trẻ em phù hợp với thông lệ và hệ thống văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, trong quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, quy định 10 nhóm quyền của trẻ em, trong khi đó Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc quy định 27 quyền, nhóm quyền cụ thể và trong các tài liệu giới thiệu về Công ước thường gom lại thành 4 nhóm quyền. Xuất phát từ quan điểm Luật Trẻ em lần này phải là luật gốc về quyền trẻ em, định hướng cho hệ thống pháp luật có liên quan đến trẻ em và quyền trẻ em, dự thảo bổ sung đầy đủ các quyền trẻ em được quy định trong CRC đồng thời với quy định các nguyên tắc xuyên suốt (Bình đẳng, Ưu tiên, Sống còn và Phát triển, Tôn trọng ý kiến trẻ em) và các chính sách thực hiện. Đây cũng là giải pháp để làm rõ lộ trình hội nhập, hài hòa với CRC và tăng thời gian phù hợp của luật với thực tế, tránh việc bổ sung, sửa đổi nhiều lần sau mỗi giai đoạn ngắn. Các quy định về các quyền con người, quyền công dân và quyền đặc thù của trẻ em trong dự thảo phù hợp và cụ thể hóa Hiến pháp 2013.

Các em nhỏ được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tỉnh Sóc Trăng.

Dự thảo Luật quy định hệ thống bảo vệ trẻ em, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống bảo vệ trẻ em; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em; bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin về hành vi xâm hại trẻ em. Việc quản lý trường hợp trong công tác xã hội đối với trẻ em có nguy cơ cao hoặc đang bị xâm hại được quy phạm hóa quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Dự thảo Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em để thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp mà không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc đã có khuyến cáo các nguyên tắc chăm sóc thay thế. Luật năm 2004 cũng đã có các quy định liên quan đến chăm sóc thay thế tại các Điều 41, Điều 42, Điều 43 và Điều 51.

Việc cho, nhận con nuôi cũng đã được quy định khá đầy đủ tại Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn liên quan đến nuôi con nuôi. Tuy nhiên, chăm sóc thay thế ở nhiều quốc gia không chỉ liên quan đến  các quy định pháp lý mà còn là vấn đề đạo đức, tâm lý. Hệ thống pháp luật Việt Nam chưa quy định đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về chăm sóc thay thế, đặc biệt là các quy định tách trẻ em khỏi cha, mẹ đẻ; cho, nhận chăm sóc thay thế bởi người thân thích hoặc bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích.

Dự thảo Luật này quy định một cách toàn diện về chăm sóc thay thế, cụ thể: 8 yêu cầu thực hiện chăm sóc thay thế. 4 hình thức chăm sóc thay thế, trong đó quy chiếu hình thức chăm sóc thay thế bằng nuôi con nuôi theo Luật Nuôi con nuôi. 4 nhóm đối tượng, trường hợp trẻ em được nhận chăm sóc thay thế. 4 điều kiện cho, nhận chăm sóc thay thế. Trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế. Đăng ký nhận chăm sóc thay thế. Thẩm quyền quyết định chăm sóc thay thế. Đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em. Theo dõi, đánh giá, chấm dứt việc chăm sóc thay thế đối với trẻ em.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh