CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:22

Trao quyền cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm

 



Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì Tọa đàm cùng với Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra; Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm. Cùng tham dự có đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan của LHQ tại Việt Nam...

Chất lượng việc làm lao động còn nữ thấp, thiếu bền vững

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật và quan trọng trong phát triển kinh kế. Việt Nam có một nền kinh tế năng động với sự tham gia của 73% nữ giới, trong khi tỉ lệ phụ nữ tham gia vào nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á là khoảng 65.5%.

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có 53,27 triệu lao động có việc làm, trong đó lao động nữ có việc làm chiếm khoảng 48,48% và năm 2016 đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48% . Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ lao động nữ tiếp cận thông tin về thị trường lao động hiệu quả và tìm việc làm thành công đã được triển khai. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo đã và đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm. Từ năm 1992, Quỹ quốc gia về việc làm đã phát huy vai trò hỗ trợ việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ khu vực nông thôn. Tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động mỗi năm, trong đó lao động nữ chiếm 63%.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại tọa đàm

 

“Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp; thiếu tính ổn định, bền vững, nhất là việc làm thường xuyên trong khu vực chính thức. Đặc biệt, một số doanh nghiệp FDI tận dụng, tập trung sử dụng những lao động trẻ, những lao động nữ trong độ tuổi 18- 20 sau một thời gian lại thay lao động. Vì vậy, những lao động nữ ở độ tuổi  30 – 35 ít được tuyển dụng phải quay về nông thôn với số vốn ít và không có tay nghề” – Bộ trưởng cho hay.

Kết quả điều tra cho thấy, lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao, như: dịch vụ, dệt may, da giày (chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các ngành này). Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công, có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng . Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44,6% trên tổng số 1 triệu 117 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.

Tạo cơ chế ràng buộc để doanh nghiệp sử lao động ổn định, lâu dài

Những biến đổi trong lĩnh vực việc làm đã và đang có những tác động tiêu cực đến cơ hội việc làm, tính bền vững và ổn định trong việc làm của lao động nữ. Đó là những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong các ngành công nghiệp sản xuất, gia công cũng như nông nghiệp đã làm giảm đáng kể số lượng việc làm của lao động giản đơn do được máy móc thay thế, đồng thời đòi hỏi lao động phải trải qua đào tạo và có trình độ kỹ thuật cao hơn. Bên cạnh đó, các chính sách tài chính và hiệp định thương mại mới được ký kết đang tạo ra luật lệ và sân chơi mới với nhiều tiêu chuẩn trong các lĩnh vực bao gồm cả lĩnh vực lao động, việc làm.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với đại biểu Cơ quan LHQ

 

Trước những vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Về mặt quản lý nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đang cân nhắc tới đây khi sửa Luật Lao động phải làm sao vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng phải có những cơ chế để ràng buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động ổn định, lâu dài, đặc biệt phải quan tâm đào tạo nghề cho những lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp, tạo cho họ có công việc làm ổn định, có đủ điều kiện để hưởng các dịch vụ phúc lợi xã hội".

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo quyền của phụ nữ tại nơi làm việc có vai trò sống còn để thực hiện thành công "Cương lĩnh hành động Bắc Kinh", Chương trình Nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Chương trình nghị sự về Các mục tiêu Phát triển bền vững nhằm xây dựng một tương lại mà không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, điều này không thể đạt được nếu chúng ta không xóa bỏ những rào cản về mặt cấu trúc và phân biệt đối xử trong luật pháp và thực tiễn để đảm bảo các cơ hội việc làm bền vững một cách bình đẳng cho phụ nữ”.

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Các đại biểu tham dự đã trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế nhằm đề xuất các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm, hướng đến thực hiện các mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030 (SDGs) về trao quyền kinh tế, việc làm bền vững và bình đẳng giới.

Kết thúc tọa đàm, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và Liên hiệp quốc đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế phụ nữ tại Việt Nam. Hai bên cũng đề nghị với các đại diện các bên tham gia Tọa đàm hướng tới mục tiêu là không bỏ phụ nữ lại phía sau trong quá trình phát triển.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh