THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:04

Phụ nữ nông thôn: Thiếu kiến thức, thông tin về việc làm

Muốn học nghề ngay tại quê hương

Tốc độ đô thị hoá nhanh cùng sức ép của việc thu hẹp đất đai canh tác đã làm cho hàng triệu nông dân thiếu việc làm, trong đó có tới 50,3% LĐ nữ. Việc di cư LĐ nữ lên các đô thị, thành phố lớn ngày càng tăng đã gây nên sự mất cân bằng về lực lượng lao động nông thôn. Vấn đề giải quyết việc làm cho lực lượng lao động này như thế nào hiện vẫn là bài toán khó cho các ngành, các cấp. Theo bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, đa số LĐ nữ nông thôn thiếu kiến thức, thông tin về việc làm. Họ cũng nghĩ rằng, mình không đủ khả năng xin việc vào các doanh nghiệp. Điều này cho thấy nhu cầu đào tạo của lao động nữ địa phương rất lớn. “Trong tương lai chúng tôi dự kiến làm nghiên cứu ở các khu vực khác để có cái nhìn tổng thể hơn, trên cơ sở đó khuyến nghị về chính sách. Chúng tôi cũng đề xuất ngoài việc có tiêu chí về lao động chất lượng chung cho nam và nữ thì phải có cách đảm bảo quyền cho phụ nữ được tốt nhất”, bà Vân cho biết.

Lao động nữ địa phương muốn học nghề ngay tại quê hương.

Cũng theo khảo sát này, LĐ nữ địa phương có nhu cầu đào tạo cao hơn LĐ nữ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu học nghề của LĐ trong doanh nghiệp là để nâng cao trình độ chuyên môn đã được đào tạo, trong khi đó LĐ nữ địa phương có nhu cầu chủ yếu vì trước đây chưa được đào tạo. LĐ nữ địa phương có mong muốn học nhóm nghề sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, nghề kinh doanh và nghề mỹ thuật ứng dụng (bao gồm cả nghề thủ công).

Khảo sát cũng cho thấy, đa số LĐ nữ có mong muốn về thời gian học đối với những nghề có nhu cầu đào tạo từ 1- 3 tháng hoặc từ 3- 6 tháng. Nhóm này chiếm phần đông bởi những phụ nữ này đã có gia đình. Với nhóm khác có nhu cầu đào tạo dài hơn từ một năm trở lên, đa số họ ở lứa tuổi trẻ từ 21- 25 và đa phần chưa kết hôn. Về hình thức đào tạo, LĐ nữ địa phương muốn học nghề ngay tại nơi mình sinh sống để thuận tiện cho công việc và cuộc sống, trong khi LĐ nữ trong doanh nghiệp muốn được đào tạo nghề theo hình thức vừa học vừa làm.

Đổi mới dạy nghề cho lao động nữ

Đánh giá về hiệu quả của khảo sát này, ông Lee Seung Joo, Phó Phụ trách nhóm nghiên cứu Đại học Chung- Ang, Hàn Quốc cho biết: “Tôi nhận thấy nguồn lao động nữ của Việt Nam hiện tại rất cần đào tạo nghề. Với nguồn nhân lực nữ hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp thì chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo của họ ở từng khu vực, chúng ta nên tìm hiểu và nghiên cứu kĩ hơn về vấn đề này để sau này có được chính sách phát triển phù hợp”.

Theo kết quả khảo sát, độ tuổi trung bình của LĐ nữ là 32. Trong đó, độ tuổi trung bình của nhóm LĐ địa phương là 36 và nhóm LĐ trong doanh nghiệp là 28. Đồng thời, hơn một nửa số LĐ nữ đã tốt nghiệp THPT, chiếm 62,9%; trong nhóm đã tốt nghiệp THPT thì LĐ nữ trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn so với LĐ nữ nông thôn: 73% so với 52,8%. LĐ nữ đã tốt nghiệp THPT chủ yếu ở độ tuổi từ 21- 25 và 26- 30.

Với yêu cầu ngày càng cao hơn trong các doanh nghiệp, LĐ nữ chất lượng cao còn cần phải có trình độ học vấn cấp III và thậm chí là tốt nghiệp đại học, có tác phong làm việc công nghiệp và các kỹ năng mềm. Từ thực tế này, các chuyên gia đề xuất cần thiết lập các mô hình liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Trong nội dung chương trình đào tạo nghề cần tăng cường thời lượng thực hành, tạo nhiều hơn cơ hội thực hành nghề và tham quan thực tế nhiều hơn.

“Các trường nghề cần đưa nội dung bồi dưỡng hai nhóm kỹ năng bổ trợ cho công việc và kỹ năng sống vào chương trình đào tạo. Với kỹ năng bổ trợ cho công việc tập trung đào tạo kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng quản lý, điều hành. Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, LĐ nữ chất lượng cao ngoài kiến thức và kỹ năng có được, còn cần phải có hiểu biết và nhận thức rộng hơn về thế giới liên quan đến công viêc và khả năng LĐ sản xuất của mình”, ông Lee Seung Joo phân tích. 

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh