Trang bị kỹ năng để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:55 - 30/03/2016
Thiếu kỹ năng, bố mẹ đẩy con nguy cơ bị xâm hại
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, trong đó, một tỉ lệ không nhỏ người sử dụng mạng Internet là giới trẻ. Khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng, các em có cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú trên mạng. Nhưng mặt trái của nó là khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại…
Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay cả nhà trường, gia đình và bản thân các em đều chưa biết kỹ năng tự bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Do thiếu kiến thức và kỹ năng mà nhiều hành động của bố mẹ, thầy cô, và chính các em vô hình dung đẩy các em đến nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng. Việc trẻ em bị lạm dụng, bóc lột qua mạng internet để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập của trẻ em, thậm chí dẫn đến tự tử.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi tọa đàm.
Theo số liệu thống kê từ UNICEF, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em được đưa lên mạng Internet. Còn theo số liệu từ Phòng Phòng chống tội phạm mua bán người và trẻ em, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), trong 5 năm qua, có khoảng 10.000 vụ xâm hại trẻ em.
“Để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) nhiều nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được đưa vào. Những đối tượng cần tập trung cũng như những giải pháp, trách nhiệm của các bộ, ngành được nêu rõ. Sau khi Luật được Quốc hội thông qua Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp Bộ TT&TT ban hành các văn bản để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong môi trường mạng”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan thông tin thêm.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF, Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đang xây dựng “Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” hướng tới mục tiêu cơ bản là: mọi trẻ em phải được hưởng lợi ích từ sử dụng internet mà không có nguy cơ và trẻ vị thành niên là nạn nhân của các hình thức xâm hại trong môi trường mạng phải được phát hiện và hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quốc gia. Đề án sẽ được triển khai trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại một số địa bàn trọng điểm có trẻ vị thành niên sử dụng internet cao, hoặc những khu vực khó khăn như nông thôn.
Gia tăng dụ dỗ, lừa tình trên mạng
Ông Hoàng Xuân Phóng, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, tình hình tội phạm sử dụng mạng internet và công nghệ cao để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em (cả nam và nữ) – từ gián tiếp đến trực tiếp, ở Việt Nam đang gia tăng nhanh và khó lường trong những năm gần đây.
Trẻ em ngày càng nghiện internet.
Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em cho thấy, các tội phạm thường sử dụng các “chiêu” như thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim ảnh đồi trụy trẻ em qua mạng; tổ chức các buổi gặp mặt thành viên tại nhà riêng, quán game, bể bơi... để xâm hại. Trong quá trình triển khai hành vi phạm tội, các đối tượng đã khai thác triệt để sức mạnh của internet. Từ các hoạt động trên mạng (gián tiếp) để tiến tới các hoạt động trực tiếp trong đời sống thực bằng cách thường xuyên các buổi “offline” cho các thành viên diễn đàn, lôi kéo nhiều trẻ em cùng tham gia tại các bể bơi, nhà riêng, quán game... để lợi dụng và có hành vi xâm hại tình dục, dâm ô với các trẻ em là nạn nhân.
Mục tiêu mà chúng nhắm đến là các học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Qua điều tra, 90% số vụ xâm hại tình dục trẻ em thì nghi can là những người quen, thường xuyên gần gũi như người quen của cha mẹ, hàng xóm, thầy giáo, thậm chí là bố dượng...
Cũng theo ông Hoàng Xuân Phóng, tội phạm không chỉ là các đối tượng trong nước mà có cả người nước ngoài. Chiêu bài mà các tội phạm sử dụng chỉ đơn giản là viết tiếng nước ngoài rồi dịch tự động sang tiếng Việt thông qua Google rồi gửi vào cửa sổ chat cho các em đọc. Trong thời gian tới, dự báo sẽ có khoảng 6-7 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch mỗi năm cũng là thời cơ để các đối tượng tội phạm nhập cảnh vào Việt Nam qua đường du lịch, sau đó sử dụng các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo trẻ em để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục.
Theo đại diện UNICEF và các tổ chức tham dự hội thảo, giải pháp khả thi nhất là phải tăng cường sự quản lý của các cha mẹ đối với con cái và đưa nội dung phòng chống xâm hại tình dục vào chương trình giáo dục tại các trường học. Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng: Nhà trường và gia đình cần phối hợp để quản lý, định hướng cho các em khi sử dụng mạng Internet. Thời gian qua, các trường đã chủ động phối hợp với gia đình hướng dẫn các em sử dụng điện thoại an toàn. “Tôi thường xuyên nhận được tin nhắn khuyến cáo gia đình hướng dẫn con sử dụng điện thoại di động. Phụ huynh không nên cho con sử dụng những thiết bị di động quá đắt tiền, nhiều tính năng mà nên chọn những chiếc máy chủ yếu có chức năng nghe gọi cho trẻ sử dụng sẽ hạn chế phần nào tác hại. Tất cả những việc làm này nhằm hướng đến mục đích chung là bảo vệ trẻ em tốt hơn, hướng dẫn các em sử dụng Internet an toàn và đạt hiệu quả cao”.