THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:23

Đề xuất 3 cấp độ trong hệ thống bảo vệ trẻ em

 

Bộ LĐ-TB&XH đảm nhận hệ thống dịch vụ trẻ em

Bạo lực, lạm dụng, sao nhãng và bóc lột trẻ em không chỉ ảnh hưởng tới bản thân trẻ, mà còn tới toàn xã hội và vì thế đây được xem là một vấn đề ưu tiên. Với Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Việt Nam đã cam kết thực hiện tất cả những biện pháp thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng, xao nhãng và bóc lột trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hẳn một chương về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, chương này lại không qui định chi tiết về hoạt động hệ thống bảo vệ trẻ em để giải quyết những thách thức của xã hội hiện đại. Do đó, Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đưa vào một số qui định mới nhằm hướng dẫn chi tiết hơn cơ cấu, vai trò và trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em từ trung ương tới cấp cơ sở.

Cũng theo Dự thảo Luật, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hệ thống dịch vụ trẻ em được trao cho Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm tổ chức tổng thể các dịch vụ bảo vệ trẻ em với các nhiệm vụ:

Xây dựng qui trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ trẻ em; xây dựng ban hành chế độ, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho hoạt động cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Qui hoạch mạng lưới và tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quốc gia về trẻ em cần có sự bảo vệ đặc biệt...

Nhân viên công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bảo vệ trẻ em.Nhân viên công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bảo vệ trẻ em.

Trang bị kiến thức trẻ tự bảo vệ mình

Để phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo kinh nghiệm quốc tế, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em (sửa đổi) đề xuất xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ, nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

Các dịch vụ phòng ngừa cấp độ một dành cho tất cả trẻ em, gia đình và cộng đồng và bao gồm các dịch vụ: Truyền thông nâng cao nhận thức về những mối nguy hiểm và hậu quả của hành vi bạo lực, lạm dụng, xao nhãng và bóc lột trẻ em; giáo dục kỹ năng làm cho mẹ; thúc đẩy các hình thức kỷ luật tích cực với trẻ em; khuyến khích gia đình và xã hội quan tâm chăm sóc trẻ em; trang bị kiến thức và kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ mình.

Các dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp độ hai nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây tổn hại cho trẻ và áp dụng biện pháp can thiệp kịp thời để giảm nhẹ hoặc loại bỏ các yếu tố nguy cơ để trẻ em rơi vào hoàn cảnh cần phải bảo vệ đặc biệt. Tùy theo nhu cầu của từng đối tượng  trẻ em và gia đình, các hình thức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp độ hai, bao gồm:

Tư vấn cho cha mẹ, người chăm sóc, giúp họ thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cái; tư vấn gia đình và giáo dục kỹ năng làm cha mẹ; hỗ trợ giáo dục phổ thông, học nghề và giới thiệu việc làm; hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tạo nguồn thu nhập hoặc các hỗ trợ khác nhằm cải thiện điều kiện sống.

Dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp độ ba là các biện pháp can thiệp và hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, phục hồi và hòa nhập cộng đồng cho trẻ cần sự bảo vệ đặc biệt. Hình thức hỗ trợ mà trẻ em và gia đình nhận được, sẽ phụ thuộc vào đánh giá cụ thể hoàn cảnh của từng trẻ em, chứ không phải dựa trên các hình thức lạm dụng.

Các hình thức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp độ ba, gồm: Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý giúp phục hồi thể chất và tinh thần; cách ly trẻ khỏi môi trường bị xâm hại, bạo lực, bóc lột và đưa trẻ đến nơi an toàn; lựa chọn, sắp xếp các hình thức chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ; tư vấn cho cha mẹ, người chăm sóc, giúp họ thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cái; tư vấn hỗ trợ giáo dục phổ thông, học nghề và giới thiệu việc làm; tư vấn pháp lý; cử nhân viên công tác xã hội giám sát trẻ em và gia đình của trẻ thường xuyên...

 

Dự thảo Luật cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống bảo vệ trẻ em.

Theo đó mỗi xã/phường phải có ít nhất một nhân viên công tác xã hội được đào tạo để chịu trách nhiệm về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Nhân viên công tác xã hội trực thuộc ngành LĐ-TB&XH các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn phát triển các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó, xác định và quản lý ca đối với trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt.

Qua đó, bảo đảm cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp và có hiệu quả hơn.

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh