CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:50

Hệ thống bảo vệ trẻ em còn thiếu chuyên nghiệp

Đánh giá về Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2010 - 2015, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Sau 5 năm triển khai Chương trình đã xây dựng được môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, loại bỏ được nguy cơ gây tổn hại trẻ em. Giảm thiểu trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trợ giúp trẻ em bị xâm hại bạo lực. Các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản đạt được. Đối với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế, Chương trình đã giúp nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, cộng đồng, gia đình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Công tác chăm sóc trẻ em đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng thẳng thắn nhìn nhận: Nhận thức về bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cơ quan quản lý, cộng đồng và gia đình vẫn chưa chưa đầy đủ. Quan tâm trẻ em ở một số địa phương chưa được thường xuyên. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đáp ứng được  nhu cầu. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp cơ sở còn thiếu và yếu, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên trẻ em tại các thôn, bản.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu tổng quát: Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em. Trẻ em được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển...

Chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015,  ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em, nhưng trong thực tế, hệ thống này mới được hình thành thí điểm ở 5.510 xã/11.118 xã, phường; tại 447/713 quận, huyện ở 43/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, các điều kiện để vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em còn khiêm tốn, chưa chuyên nghiệp. Do đó, khả năng phòng ngừa, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em. Số lượng trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt được nhận trợ cấp xã hội thường xuyên còn rất hạn chế (ước tính chỉ có khoảng 250.000 trẻ em, chiếm dưới 10% tổng số trẻ cần sự bảo vệ đặc biệt).

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2010 - 2015.

Đồng quan điểm với Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đồng thời chỉ ra những thách thức phải đối mặt trong việc thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, đại diện các Sở LĐ-TB&XH đề xuất trong giai đoạn tới, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, kinh tế vĩ mô chưa hoàn toàn ổn định, tình trạng phân hóa giàu nghèo, các giá trị đạo đức truyền thống thay đổi, mạng internet ngày càng phổ biến rộng rãi thì nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bóc lột càng diễn biến phức tạp. Để khắc phục những hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em giai đoạn trước, cần tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bảo vệ trẻ em. Trang bị, bổ sung kỹ năng phòng ngừa bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi làm tổn hại trẻ em. Bên cạnh đó, củng cố tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo hướng chuyên nghiệp đối với người hưởng lương và bán chuyên nghiệp đối với cộng tác viên; bố trí nhân lực bảo vệ trẻ em ở các tỉnh, huyện, xã chưa có. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em cần được phát triển nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, hình thành mới các cơ sở ở địa phương chưa có. Tạo cơ hội cho nhiều trẻ em cần bảo vệ đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi được tiếp cận với dịch vụ xã hội.         

Báo cáo kết quả thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết: Tính đến tháng 12/2014, cả nước đã có 30 Trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh; 134 Văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện; 1.539 điểm tham vấn cộng đồng, 2.765 điểm tham vấn trường học; 418 loại hình trợ giúp trẻ em khác được thành lập và đi vào hoạt động. Nhờ đó, công tác quản lý, phân loại trẻ em, xác minh, đánh giá cụ thể từng hoàn cảnh của trẻ em được các địa phương quan tâm thực hiện, việc phát hiện và giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em ở địa phương đã có chuyển biến tích cực, giúp các em phục hồi, hòa nhập cộng đồng.

ĐỨC THỌ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh