THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:51

Trần Vàng Sao vẽ

 

Có lẽ anh chưa nguôi ám ảnh một thời. Cả tuần anh không đi đâu cả. Lâu lâu, bạn bè Sài Gòn, Hà Nội đến Huế, gọi mới đạp cái xe đạp cà tàng đến đọc thơ chơi.  Mỗi lần tôi ghé thăm muốn Trần Vàng Sao nói chuyện vui phải cầm theo xị rượu ngang đầu vòi. Anh bao giờ cũng ngồi uống trà hoặc nhâm nhi với bạn bè tí quốc lủi ngay ở chỗ bình phong cửa ra vào. Hứng lên thì đi lật từng cuốn vở học trò đầy bụi, đọc những câu thơ mới viết. Ở anh tôi không thấy chút gì phong thái của một nhà thơ nổi tiếng cả. Thơ anh viết như tự sự rỉ rả tâm sự hay độc thoại, mà bài nào cũng gây chấn động giới yêu thơ như “Bài thơ của một người yêu nước mình” (1967) được chọn là một trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX), “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” (1984): Mả cha cuộc đời quá vô hậu/ cơm không có mà ăn/ ngó lui ngó tới không biết thù ai/..., Hay bài “Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa” (1990), hay mới năm ngoái đây là bài thơ dài (cũng có thể gọi là trường ca) “Gọi tìm xác đồng đội”. Bài thơ là một ký ức chiến tranh hãi hùng, vừa linh thiêng vừa ám ảnh. “Chiến tranh bắt đầu/ trước hết là máu/ rồi là thịt người/ máu từ trên trời/ máu từ dưới đất/ và máu trên bàn thờ/ xác thì chôn sấp dập ngửa bờ sông, bụi chuối/ không đầu không chân/ không xương không thịt/ không có chi cả...” Là người quản lý Quỹ Phùng Quán, tôi đã đề xuất tặng thưởng cho tập thơ “Gọi tìm xác đồng đội” nhân ngày thơ Việt Nam Nguyên Tiêu Quý Tỵ.

Thi sĩ Trần Vàng Sao.

Buổi trao giải thưởng tổ chức ngay tại nhà anh với rất nhiều bạn bè văn chương thân thiết của anh như Nguyễn Khoa Điềm, Đặng Nhật Minh, Tô Nhuận Vỹ, Nhất Lâm, Mai Văn Hoan v.v... Bữa đó vợ chồng anh vui lắm vì ngoài cái bằng có ảnh người bạn thân Phùng Quán dành cho anh, còn có chút phong bì cho chị...

Đối với tôi, lạ lùng hơn là ngoài thơ, Trần Vàng Sao còn say mê vẽ tranh bằng bút chì, mực xạ, có khi cả bột màu. Tôi nhìn khắp nhà anh,  không có giá vẽ nào. Tôi hỏi: “Thế anh vẽ ở đâu”. Anh bảo, vẽ dưới nền nhà. Ngồi xổm mà vẽ. Chùm hum mà vẽ. Giấy vẽ không có nên anh vẽ tranh vào sau các tờ lịch cũ. Tranh treo khắp nơi. Thơ thì anh ký bút danh Trần Vàng Sao (cái bút danh phấp phới và ngang tàng thách thức thuở xuống đường chống Mỹ ở Huế). Còn tranh thì anh ký tên thật: Nguyễn Đính. Nhìn ngày tháng ghi dưới tranh tôi thấy năm 2013 này anh đã vẽ nhiều bức tranh. Tôi hỏi: “Anh thường vẽ về đề tài nào?”.

Anh cười: “Họa sĩ họa siếc chi mà đề tài. Mình thích chi vẽ nấy. Mình vẽ chơi mà. Có những bức mình chép, có những bức mình thêm thắt ít nhiều.  Với bản thân mình, thích nhất vẫn là vẽ sư tổ Đạt Ma. Hay 10 bức tranh chăn trâu mình chép từ “Thập mục ngưu đồ” trong sách Thiền. Bồ đề Đạt Ma và bài tới, thoạt tiên mình chép, dần dà mình bóc tách một số hoạ tiết rồi bố cục theo ý riêng, thành cái chất mình. Các năm âm lịch, mình vẽ con Giáp để treo chơi Tết cho vui. Mậu Tý thì con chuột. Kỷ Sửu con trâu. Canh Dần con cọp. Tân Mão con mèo, Quý Tỵ con rắn... Treo tranh con Giáp thấy cái Tết ấm cửa nhà hơn. Bìa và một số trang ruột sách “Tuyển tập truyện cười” của Hoàng Thiếu Phủ (NXB Trẻ, 1995) sử dụng tranh mình vẽ lại bộ bài tới đấy. Cũng có ích đấy chứ.

Tranh Bồ đề Đạt Ma bức lớn, bức nhỏ anh treo khắp nhà. Những bức tranh vẽ sư tổ Đạt Ma của anh sắc sảo không kém gì tranh trong sách Phật, hơn nữa dưới ngòi cọ Nguyễn Đính, sư tổ Đạt Ma có vẻ phong trần hơn, ánh mắt sắc tợn hơn, không đạo mạo như trong sách Phật mà tôi đã được xem. Tôi hỏi sao :”- Sao bác không là Phật tử, mà lại say mê vẽ nhiều Bồ Đề Đạt Ma đến vậy ?”. Trần Vàng Sao nhìn tôi như nhìn một cậu học trò, cười :

- Nếu có một ông Phật  tốt nhất trên đời để cho mình theo, đó là Bồ Đề Đạt Ma. Bồ Đề Đạt Ma là Thiền sư vĩ đại nhất. Đối với Bồ Đề Đạt Ma, mọi người đều là chư phật. Vẽ tổ sư Đạt ma để rèn đúc chữ TÂM, như là một sự “văn ôn võ luyện” ấy mà.

Tác phẩm của Trần Vàng Sao.

Tôi nhớ mình đã đọc ở đâu đó câu chuyện Bồ Đề Đạt Ma lặng lẽ rời bỏ triều đình, Ngài đến chùa Thiếu Lâm quay mặt vào vách, chín năm nhìn vách đá yên lặng không nói một lời. Sự yên lặng ấy như là sự ngẫm ngợi cuộc đời đã không một ai có thể hiểu nổi con người của Bồ Đề Đạt Ma. Lại có câu chuyện so sánh Jesus và Bồ đề Đạt Ma. Jesus nói: “Các ông là con chiên, ta là người chăn chiên và nếu các ông bị lạc, ta sẽ tìm các ông”. Và điều ấy có vẻ, với những người không hiểu biết, là một ý thức hệ từ bi lớn lao. Nhưng Bồ đề Đạt Ma lại nói: “Chư phật không cứu chư phật”. Mọi điều mà vị phật có thể làm là đánh thức bạn dậy. Điều đó chẳng mấy cứu giúp gì. Khi bạn đánh thức ai đó dậy, bạn đã làm việc phục vụ vĩ đại cho nhân loại, bởi “Chư phật không cứu chư phật”. Đó là sự bình đẳng cho mọi người.

Tôi không hiểu mấy giáo pháp đạo Phật, nhưng tôi hiểu Bồ đề Đạt Ma đã nhập tâm Trần Vàng Sao như thế nào. Anh có thể vẽ trầm không nhìn hàng chục bức giống nhau y hệt. Vẽ để chơi. Vẽ để mỗi ngày soi mình vào đó...

Anh Nguyễn Đính và chị Hay một thời sống vất vả lắm. Chị chạy chợ, khi thì bán cháo bánh canh cá lóc gánh, khi thì cơm hến, khi thì cũng chồng đi bán bánh mì, nước giải khát mỗi khi có trận bóng đá  trong sân Tự Do. Trần Vàng Sao cũng đã có lúc lên núi Quảng Nam tìm vàng. Vài ba tháng đói vàng mắt mà vàng chẳng thấy đâu. Bây giờ thì hai anh chị đã thong thả hơn. Hai con đã lớn, đã lập gia đình, có việc làm. lương hưu anh qua bao nhiêu lần tăng , bây giờ được 1,6 triệu. Hai Vợ chồng xây được hai dãy nhà cho sinh viên thuê ở trong vườn nhà... Anh đã vào tuổi 74, nhưng vẫn say thơ, say vẽ, say hát.

Cũng như nhũng tay chơi thượng thặng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Trịnh Công Sơn... nghệ thuật Trần Vàng Sao cũng là nghệ thuật để chơi. Nghệ thuật để chơi mới khó, chứ loại nghệ thuật để dạy bảo ai đó thì quá dễ...

NGÔ MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh