THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:30

Nhà thơ Thanh Thảo và “Lang thang qua chiến tranh”

Kể ra, đó cũng không phải ước mơ gì quá cao xa. Hàng triệu thanh niên như tôi đã đi chiến trường trong những năm tháng ấy. Biết đâu, trong số hàng triệu người này, cũng có những người nuôi ước mơ đi chiến trường để…làm thơ, như tôi”... Tôi, muốn lang thang qua chiến trường để làm thơ, thì phải làm một “chân” gì đó. Tôi chọn nghề báo, là nghề tuy tôi chưa được đào tạo chuyên môn ngày nào, nhưng là nghề gần sát nhất với những gì tôi đã học trong trường, gần nhất với văn chương, viết lách, chữ nghĩa. Muốn cho chắc ăn, tôi đã chọn làm nghề báo trong môi trường quân đội. Tôi xin nhập ngũ. Nhiều thầy giáo và bạn bè của tôi ở trường nghe tin tôi xin đi bộ đội, đã ngạc nhiên. Vì họ biết, tôi học không đến nỗi nào. Lại con một, con gia đình cách mạng. Khi tôi ra trường, đã có nhiều cơ quan đặt vấn đề xin tôi về làm việc, kể cả khoa Văn là nơi tôi theo học. Dĩ nhiên, tôi dấu biến ước mơ đi bộ đội để được…lang thang vào chiến trường, và... làm thơ. Không phải sợ mọi người cười, vì hồi ấy, không ai cười một ước mơ, một nguyện vọng như vậy, dù có thể chưa thật hiểu. Ngay thầy má tôi cũng không biết tại sao tôi xin nhập ngũ, trong khi có khối việc để làm, dù họ đều coi chuyện đi bộ đội hồi ấy là chuyện bình thường."

 Đó là một đoạn trích trong "Lang thang qua chiến tranh" của nhà thơ Thanh Thảo. Nhà thơ cho biết, ông viết "Lang thang qua chiến tranh" năm 2014 như sự đúc kết “ quá trình công tác” của mình từ năm 1970 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975). Như ông viết, muốn làm thơ thì phải trải nghiệm, muốn trải nghiệm thì phải ra chiến trường, muốn ra chiến trường thì phải làm báo, làm báo để “hợp thức hóa nghề nghiệp”, để thỏa mãn cơn khát, làm thơ. Thanh Thảo viết: “Tôi được biên chế thẳng vào phòng Phát thanh Binh vận trực thuộc ban Binh vận Tổng cục Chính trị. Nhiệm vụ chính là viết bài cho buổi phát thanh binh vận dành cho sĩ quan và binh lính quân đội Sài Gòn. Một việc hoàn toàn không dính gì với ước mơ làm thơ của tôi cả. Nhưng tôi chấp nhận, dù biết đây là cửa rất hẹp. Nhưng ở cửa hẹp này, tôi sẽ có cơ hội đi chiến trường”. 

Thanh Thảo đã đến với nghề báo như vậy, không tình cờ, không cơ duyên, mà là sự dấn thân, dấn thân để đạt được ước mơ của mình. Ông đến với nghề báo không phải để tiến thân, cũng chẳng phải để trở thành người nổi tiếng. Không ai chọn chiến trường, chiến tranh để mang lại hào quang cho cuộc đời mình cả. Tất cả những cái ông chọn chỉ để phục vụ cho một đam mê bất tận, đó là làm thơ. Cái mà đến bây giờ vẫn là hơi thở trong cuộc sống đã bắt đầu sang tuổi xế chiều của ông: “Tôi bắt đầu chuẩn bị cho mơ ước lang thang qua chiến tranh của mình bằng một nghề rất chỉn chu, bài bản, lý trí, thậm chí đầy quan điểm lập trường, đó là nghề báo. Nhưng, nghề báo cũng chính là nghề đầy mạo hiểm, thậm chí nguy hiểm, nhất là làm báo trong chiến tranh. Tôi hiểu điều này, và cho rằng mình đã lựa chọn đúng “bệ phóng” để... lang thang vào chiến trường.

Quả thật, chỉ sau tròn một năm hành nghề báo binh vận tại Hà Nội, tôi chính thức được cấp trên cử đi chiến trường. Chiến trường B2-Nam Bộ hẳn hoi, theo đúng nguyện vọng cá nhân của tôi.

Với những sĩ quan hay cán bộ dân sự trước khi đi chiến trường đều phải trải qua một thời gian luyện tập nhất định ở “trường”. Luyện tập khá gian khổ, và tương đối gần giống với thực tế chiến trường. Còn tôi, do ở cơ quan chỉ mỗi mình tôi đi chiến trường, nên các anh nói tôi cứ…tự tập. Muốn tập kiểu gì cũng được. Như thế, khởi đầu đã tự do rồi. Tôi bèn mang ba lô gạch đi lang thang qua các con phố ở Hà Nội. Khi qua một quán bia hơi, nếu thấy ít người xếp hàng, tôi lại ghé vào làm vài cốc lấy…khí thế. Bia hơi ba hào/cốc, ngon hơn bia “ken” bây giờ nhiều. Sau đó, lại hăm hở đeo ba lô gạch…hành quân. Lúc bấy giờ, nhiều bạn tôi đang tập trung ở Quảng Bá-Trại sáng tác của Hội nhà văn-cũng học tập và rèn luyện chờ ngày đi chiến trường. Có hôm, tôi mang ba lô gạch đi bộ lên tận Quảng Bá, vào thẳng lớp học của các nhà văn tương lai. Các nhà văn bạn tôi nhìn tôi-quân phục thứ thiệt, ba lô gạch thứ thiệt, sắp đi chiến trường B2 thứ thiệt-nhìn một cách “hơi bị ngưỡng mộ”. Tôi bèn hô hào mọi người đi…uống bia hơi. Vẫn ba lô gạch trên vai, hành quân ra quán bia hơi cách trường vài cây số. Tôi đã tự tập luyện như vậy. Gần ngày đi chiến trường, tôi được thủ trưởng cho ngồi cùng xe U-oát chở lên “Trường 105” Hòa Bình-được mệnh danh là “Trường biệt kích…Việt Cộng”- để…liên hoan với học viên ở đây. Những người tôi sẽ đi chiến trường cùng họ. Có dành vài giờ đồng hồ tập bắn súng K54, bắn đạn thật. Tôi bắn cũng được, hai vòng 7 một vòng 8, đạt loại khá. Còn mong gì hơn nữa”. 

Và khi đã trở thành “nhà báo chiến trường”, Thanh Thảo lại bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ của đời mình, đó là làm thơ. Không thể phủ nhận, thơ đã làm nên tên tuổi cho Thanh Thảo, nhưng cũng chính thơ đã gây ra cho ông ít phiền toái, hiểu nhầm, thậm chí là bị “soi”, bị kiểm điểm rất dữ. Sau này ông cũng từng nhận xét rằng bài thơ “ bị kiểm điểm” ngày ấy đã bị một số người hiểu sai, chứ kỳ thực ông chỉ viết như lời tự sự của một nhà báo, một người lính viết về thế hệ của mình.

Trong "Lang thang qua  chiến tranh", nhà thơ Thanh Thảo đã “giải mã” nhân vật “...tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ”: “Đó là đoạn thơ viết về chuyện tôi và anh bạn Phạm Quang Nghị phải chịu nhịn đói đúng 3 ngày trên lộ đất Mỹ Long-Đồng Tháp Mười (còn gọi là “lộ đất Trần Lệ Xuân”), dù chúng tôi ở hai đội công tác khác nhau, nhưng cùng xuống Mỹ Tho qua ngả Đồng Tháp. Năm 1985, khi đi Liên Xô trong đoàn nhà văn Việt Nam dự “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô”, tôi đã gặp lại anh Phạm Quang Nghị (bây giờ là Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy Hà Nội) lúc đó đang làm luận án phó tiến sĩ ở Trường Đảng cao cấp Liên Xô. Nghe tin tôi sang Matxcơva, Nghị đã khoác một túi bia Tiệp( hồi đó bia Tiệp ở Liên Xô đã khá hiếm, nhưng căng-tin Trường Đảng được bán bia này) tới khách sạn tôi đang ở. Hai anh em lai rai, chuyện nổ như pháo. Toàn chuyện cũ ở chiến trường. Trong đó dĩ nhiên có kỷ niệm ba ngày nhịn đói trên lộ đất Mỹ Long. Cứ như trong mơ. Hồi ấy đói thật. Đói vàng mắt luôn. Nhưng khao khát. Nào có ai cấm chúng tôi khao khát. Nếu không lang thang qua chiến tranh, làm sao chúng tôi có dịp ngồi với nhau ở Matxcơva uống bia Tiệp…”. 

Thanh Thảo vào chiến trường để làm báo, làm thơ, ngoài khát vọng ra, ông còn phải nhờ đến bạn bè. Thời cỏn trẻ, mắt nhà thơ vốn rất yếu, khi đi khám để tuyển quân nhà thơ đã phải nhờ một người bạn tên Hồ Khánh Thiện (cùng họ Hồ) đi khám hộ. Vào chiến trường, cận kề những khổ đau, bệnh tật, ông đều luôn có bạn bè ở bên, đó không chỉ là những “liều thuốc” tinh thần để vượt qua gian khó, mà còn là chất liệu quí báu cho thi ca của ông sau này: 

                 "Buổi sáng ấy tôi bước vào tuổi 25

                   ở đường dây 559 - trạm 73

                   ngày sinh nhật bắt đầu bằng cơn sốt

                   cổ đắng khô ngồi thở trên đỉnh dốc

                   bạn mở bi-đông nhường hớp nước cuối cùng

                   hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt đầu tiên

                   ngày sinh nhật tuổi 25 mình được uống"

(Trích -"Những người đi tới biển")

Rất ít khi tôi nhớ ngày sinh nhật của mình, càng không bao giờ tổ chức lễ sinh nhật. Nhưng ngày sinh lần thứ 25 giữa Trường Sơn, với cơn sốt rét đầu tiên, với hớp nước cuối cùng bạn tôi nhường cho trong cơn khát hoa mắt... là những gì tôi cứ phải nhớ mãi. Với tôi, có được một "lễ sinh nhật" như thế là đủ cho cả một đời, sau này khỏi tốn công tổ chức lễ sinh nhật nữa.

Mỗi người lính đã đi qua Trường Sơn đều có một Trường Sơn của riêng mình. Với những người đã nằm xuống thì đành một nhẽ. Nhưng với những người còn sống tới bây giờ, thì thỉnh thoảng, Trường Sơn lại sừng sững hiện lên trước họ như một thách thức. Lại phải leo dốc. Lại chinh phục những đỉnh cao của riêng mình. Lại khóc và lại cười. Đôi khi, lại nghe thoang thoảng hương hoa phong lan. Và có lúc nào, trong giấc mơ, được trở lại con đường mòn ấy, thấy hiện trước mắt, không phải một con gấu ngựa, mà rực rỡ cả một đàn công bay lên với đủ bảy màu... 

Ngày 30/4/1975, hòa trong những đoàn quân đổ về Sài Gòn trong ngày đại thắng, anh lính 29 tuổi Hồ Thành Công (tên thật của nhà thơ Thanh Thảo) đã viết những vần thơ cho Tổ quốc, cho đồng đội, cho thế hệ mai sau biết rằng, cái giá của sự đoàn tụ là không hề nhỏ, không chỉ có máu, nước mắt, mà còn hơn cả thế nữa. Và sau 40 năm đất nước lặng tiếng súng, những câu thơ ấy vẫn còn bao ý nghĩa: 

Ngày dân tộc tụ về đường số Một/lòng không nguôi thương những cánh rừng này/ nơi những đứa con còn lưng đèo, cuối dốc/ khuất  tầm nhìn, lặng lẽ dưới hàng cây/...Nếu một ngày ta dựng những hàng bia/ xin hãy đề “nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ”.

 (trích trường ca Những người đi tới biển).

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh