THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:50

Nghị lực sống và viết của một nhà thơ tật nguyền

.Trần Phước Ninh có một tuổi thơ “dữ dội”.

“Cậu bé Sọ Dừa”

Đó là cái tên mà người dân  khối phố Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thường gọi anh, nhà thơ Trần Phước Ninh.

“Cậu bé Sọ Dừa” từ nhỏ đã nức danh trong làng, bởi sự thông minh, hiếu học. Phước Ninh có tài viết văn, làm thơ, sáng tác thơ từ khi còn cắp sách đến trường. Suốt những năm học phổ thông, Phước Ninh luôn là học sinh giỏi, là niềm tự hào  của quê hương. Nhưng nghịch cảnh thay khi anh chuẩn bị bước vào lớp 11 bị một trận thương hàn nặng dẫn đến bại não, liệt thần kinh, chân tay teo tóp, méo miệng. Căn bệnh đã làm anh nói ngọng nghịu không rõ tiếng, những bước chân nghênh nghênh, đôi tay “không bình thường”. Chỉ có đôi mắt sáng và nụ cười tươi là những báu vật còn lại, sau di chứng của bệnh thương hàn.

Còn nhớ, sau trận đau năm ấy, mọi người tin chắc, Phước Ninh sẽ mãi mãi nằm liệt giường, cuộc đời chìm trong tối tăm, nhưng nhờ bàn tay chăm sóc chu đáo của mẹ và sự nỗ lực phi thường của bản thân, Phước Ninh đã kiên trì tập luyện tháng ngày. Quyết tâm “tàn nhưng không phế”, không trở thành kẻ thừa của xã hội và là gánh nặng cho mẹ già, Phước Ninh đã có thể tự ngồi dậy và đi lại được. Tuy nhiên, dù có nỗ lực đến mấy thì sau trận đau năm ấy, con đường đến trường của cậu học trò Ninh cũng tan biến. Bao ước mơ anh đành gửi lại nơi bạn bè.

Thương mẹ già đau yếu và khó khăn, năm 24 tuổi, Phước Ninh xin phép mẹ già gói ghém mấy bộ đồ cũ lặn vào đất Sài Gòn  để kiếm sống. Ngày Phước Ninh  ra đi, mẹ có dúi vào túi quần anh 200.000 đồng để làm lộ phí lên đường. Vào Sài Gòn, anh chọn nghề bán vé số dạo kiếm sống qua ngày. Cứ thế 10 năm ròng rã mưu sinh  trầy  trật nơi đất khách quê người, nỗi nhớ quê, mẹ già vẫn luôn đau đáu.  Có những đêm trong căn nhà trọ chật hẹp, chống chọi với cái nóng của mùa khô và cái lạnh của mùa mưa phương nam, Phước Ninh thấy đời mình thật vô vị và tuyệt vọng. Nhiều cái Tết anh vẫn lang thang đôi chân chẳng ra chân trên khắp các con phố với tập vé số trên tay. Những vần thơ từ trong trái tim rỉ máu cứ thế tuôn ra. 

Trần Phước Ninh luôn tâm niệm mình sẽ có sức khỏe để tiếp tục hành thiện giúp đời.

“Giữa Sài Gòn có kẻ sống xa quê

Chiều ba mươi khóc thầm nơi đất khách

Giờ Giao thừa chỉ còn trong khoảnh khắc

Chuyến tàu về con hẹn chuyến tàu sau

Tết năm nay con không về kịp đâu

Thương đôi mắt mẹ già mòn mỏi đợi

Giữa phố xá đông người con chới với

Đành nhủ lòng… phải kiếm sống mẹ ơi!”

                                   (Chiều 30 Tết)

 Rồi như một phép màu, Phước Ninh bén duyên với nhà Phật, nhờ sự trợ duyên của cửa chùa, Phước Ninh mới có dịp về quê thăm nhà và tìm cuộc sống mới ở Đà Nẵng cũng với nghề bán vé số. Năm 2007, anh về quê mở một quán cà phê nhỏ có tên “Thi Hữu Quán” mà nay trở thành mái nhà của anh em văn nghệ sĩ mọi miền mỗi lần về với Duy Xuyên không thể bỏ qua. Đầu năm 2015, Phước Ninh mở thư viện sách đọc miễn phí tại gia. Ngoài thời gian đi bán vé số, Phước Ninh dành thời gian sáng tác thơ, đọc sách tìm niềm vui trong cuộc sống. Nói về mình, Phước Ninh luôn nở nụ cười lạc quan: “Nói vậy thôi chứ mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Làm thơ như thể để có một điểm tựa tinh thần để mà đứng lên.”.

Thơ của Trần Phước Ninh hầu như đều mang hình ảnh người mẹ, tình quê và chưa bao giờ có những câu chữ hận đời, tuyệt vọng. Có những bài thơ của Phước Ninh đã được phổ nhạc. Tên tuổi anh bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi nhạc sĩ Quốc An phổ nhạc từ lời bài thơ “Hát với dòng sông” của anh. Những câu thơ đã nhắn gửi chút tình quê của những người con xứ Quảng tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, là nỗi nhớ quê, nhớ con sông Thu Bồn hiền hòa bên nhà. “Em ngồi hát bên dòng sông/ Dòng sông nơi xa xôi, nơi đất khách quê người/ Từng chiều em hát cho vơi đi nỗi buồn/ Nỗi buồn của em, người lữ khách tha phương”.

Nhà thơ tật nguyền Trần Phước Ninh trong một buổi giao lưu.

Nhà thơ Đoàn Công Tiến từng nhận xét: “Ninh là một trong số ít nhà thơ tật nguyền mà lời thơ chan chứa một hồn quê, chân chất, mộc mạc. Dẫu tuổi thơ nhọc nhằn nhưng hầu như tất cả những bài thơ đều mang hơi thở cuộc sống, không bi lụy, mà trái lại có sức sống, có linh hồn.  Và nếu như không có sự cố năm ấy chắc giờ Trần Phước Ninh đã thành danh hơn trên con đường thơ văn.” 

Hạnh phúc là cho …

Khoản kinh phí thu lại từ quán cà phê,  từ bán sách, ủng hộ từ thiện của bản thân, Phước Ninh dành tất cả tích góp thành lập quỹ từ thiện mang tên “Từ thiện kiểu Trần Phước Ninh” để giúp đỡ những người cơ cực, trẻ em nghèo khổ hiếu học.

Về Duy Xuyên đất lụa, hỏi Trần Phước Ninh, người dân ai ai cũng biết. Có những câu chuyện cảm động mà mãi cho đến nay người dân xứ lụa vẫn thường  kể. Dù nghèo nhưng Phước Ninh luôn tự cho mình là “may mắn”. Có lần một nhà hảo tâm cho Ninh 1,5 triệu đồng để chăm lo sức khỏe, tình cờ Phước Ninh đọc được trên báo thông tin cảnh hai anh em trai ở xã bên bị ung thư, mồ côi mẹ sống với ông bà nội, Ninh đi nhờ xe người quen đến thăm và trao tiền 1,5 triệu đồng mình vừa nhận được.

Chuyện nhận đỡ đầu cụ Trần Thị Miên (87 tuổi tuổi, bị liệt hai chân, sống một mình trong thôn) luôn được người dân trong làng truyền tai nhau. Hằng ngày, Phước Ninh thu xếp công việc nhà mình xong là đến quét dọn nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ và trò chuyện để cụ Miên cảm thấy bớt hiu quạnh. Hay cảm động hơn chuyện Ninh bỏ heo đất tiết kiệm giúp đỡ một người bạn bị cụt hai chân vì tai nạn lao động. Không có tiền mua heo đất, Ninh lấy hai vỏ lon sữa úp lại, mỗi ngày bỏ riêng vào đó 1.000 đồng. Cứ đến cuối tháng, Ninh nhấc lon lấy ra 30 000 đồng giúp bạn. Và còn nhiều câu chuyện rưng rưng nước mắt về con người nghị lực này.

Phước Ninh từng tâm niệm: “Nhờ sự động viên, cưu mang của cộng đồng mà mình mới được như hôm nay. Thấy quý và trân trọng lắm những gì mình có được. Tấm thân tật nguyện này mong sao có thể giúp người khác là mừng rồi, còn gì bằng. Còn sống, còn sức là còn giúp người.”

Mang tâm niệm ấy, nhiều năm qua, anh Ninh đã đem niềm vui đến bao gia đình nghèo khổ, nụ cười em thơ đến trường mỗi ngày, và gieo niềm tin ở bao người về sự muôn màu của cuộc sống. “Nghèo không có tội. Chết không nghĩa là hết. Và sống là phải vươn lên. Như vậy mới thấy cuộc sống này có ý nghĩa.”. Phước Ninh luôn tự dặn lòng như vậy.

Bước sang tuổi 44 , ngoài chuyện chăm sóc bản  thân, Trần Phước Ninh còn chăm lo cho mẹ già. “Hạnh phúc là cho đi. Có cho đi mới được nhận lại. Và hạnh phúc cũng là sự cảm nhận khi chúng ta biết yêu thương và sẻ chia.”. Đó không chỉ là tình người, phương ngôn sống, mà trên hết là điều ước giản đơn mà Trần Phước Ninh đã làm.

Năm 1999, Trần Phước Ninh từng đoạt giải nhì cuộc thi thơ TP.Hồ Chí Minh. 10 năm sau, anh lại tiếp tục đoạt giải ba trong một cuộc thi thơ trẻ. Những vần thơ của Ninh đã được nhà xuất văn học chọn lọc trong hơn 200 bài thơ cho xuất bản 2 tập “Tạ lỗi cùng quê” (năm 2011) và “Tình thơ” (năm 2014)...

Hà Kiều

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh